TIN VUI

Tuần san Bạn trẻ Công Giáo  -  Số 122 CN 27.01.2008

 

Web site www.tinvui.org E-mail : bantreconggiao@yahoo.com

 

MỤC LỤC

 

Chúa Nhật III Thường Niên

TRẢ GIÁ..

200 ngàn người tập hợp để tỏ lòng ưu ái với Đức Thánh Cha.

Emmanuel Milingo xuất bản sách mới gây thêm những tranh cãi

Cột trụ của Tổ Chức Birthright là Hội Hiệp Sĩ Columbus.

Tân Bề Trên Cả Dòng Tên: gần trọn cuộc đời phục vụ tại Á Châu và thương mến Việt Nam..

Lễ đặt viên đá nhà thờ Mường Riệc vùng dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình.

Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm : 50 năm Thành Lập.

Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tọa đàm về Giáo Dục.

Tuần tĩnh tâm linh mục Giáo phận Nha Trang 2008.

Khóa thường huấn cho các linh mục giáo phận Saigòn 2008.

ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG : MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT NGƯỜI CHA  

PHƯƠNG PHÁP ‘ĐÒN ROI’ CỦA CHÚA GIÊSU TRONG TIN MỪNG..

Tiếng Thiên Chúa gọi  _

THỜI GIAN..

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT..

BÀI 1: ĐỨC GIÊSU, NHÀ GIẢNG THUYẾT..

Linh mục với sứ mạng loan báo Lời Chúa.

“Văn hóa bạo lực”và bài học nói dối

THỜI GẠO CHÂU CỦI QUẾ..

DANG DỞ..

 

 

SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật III Thường Niên A

PHÚC ÂM: Mt 4, 12-23

"Người vào Capharnaum để ứng nghiệm lời tiên tri Isaia đã tiên báo".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về Galilêa. Người rời bỏ thành Nadarét, đến ở miền duyên hải, thành Ca-pharnaum, giáp ranh đất Giabulon và Nepthali, để ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: "Hỡi đất Giabulon và đất Nepthali, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan, Galilêa của ngoại bang! Dân ngồi trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng; ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong bóng sự chết".

Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu rao giảng và nói: "Hãy hối cải, vì nước trời đã gần đến!"

Nhân lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon, cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông, cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông là ngư phủ. Người bảo hai ông rằng: "Các ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người ta". Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. Đi xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người cũng gọi hai ông. Lập tức hai ông bỏ lưới và cha mình mà đi theo Người.

Và Chúa Giêsu đi rảo quanh khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng tin mừng nước trời, chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân. Đó là lời Chúa.

TRẢ GIÁ

Có lần nói chuyện với các bạn trẻ dự tu vào Đại chủng viện, nhất là với những người chờ đợi khá lâu mà vẫn chỉ ở “trình độ” dự tu, tôi đã thật lòng chia sẻ vừa để an ủi, vừa để mời gọi các bạn vững lòng tin:

“Bất cứ cái gì anh em có được đều đòi anh em phải trả cho nó bằng một cái giá tương xứng. Từ cái kẹp tóc nhỏ xíu trên đầu đến đôi dép lót dưới bàn chân, nếu anh em muốn có nó, không phải tự dưng mà có. Tất cả đều có giá. Chỉ là cái kẹp, đôi dép mà đã đòi phải trả giá thì huống hồ là lý tưởng tu trì. Dù so sánh của tôi có hơi tầm thường, nhưng chắc chắn đó là thực tế. Cái kẹp và đôi dép. Ai cũng thấy. Ai cũng biết.

Lý tưởng tu trì của anh em, còn hơn cả một đời sống tu trì nói chung, nó chính là lý tưởng linh mục. Bởi lý tưởng linh mục mà anh em đang cất giữ trong tim, và mong mỏi đạt tới không phải chỉ là quan trọng mà thôi, không phải chỉ là lớn lao mà thôi, đó là thánh chức linh mục, là tham dự vào chính đời sống của Chúa Kitô, là chia sẻ chính Chúa Kitô, là nên một với Chúa Kitô trong nghĩa vụ tư tế của Người, Đấng mà tất cả chúng ta phải tôn thờ. To lắm! Cao cả lắm! Đẹp lắm! Tôi nhắc lại, đó là thánh chức chứ không đơn giản là chức vị, là chỗ đứng, là sự hào nhoáng (càng không bao giờ như cái kẹp, đôi dép). Vì thế, đòi anh em phải trả giá, một cái giá không nhỏ chút nào. Đó là cái giá phải trả bằng cả một đời trung thành tận tụy, đặt hết niềm vui, nỗi buồn, đặt trọn cả cuộc sống để mua lấy và sở hữu.

Anh em phải hiểu rằng, cái giá phải trả không nhỏ, bởi thánh chức linh mục mà anh em sẽ mang lấy, không phải mang trong một sớm một chiều, nhưng là mang trọn một đời dâng hiến. Mà vật gì phải trả giá, trả giá càng cao, thí càng quý. Như một số đàn anh chúng tôi, những người còn đang sống giữa chúng ta, chẳng hạn cha E., cha G., cha U… Cách đây nhiều năm, khi Chủng viện bị cấm hoạt động, họ đã trở thành những kẻ lang thang. Người ta cuốc đất, họ không có đất, họ cuốc đất mướn. Người ta nuôi heo, họ không có tiền nuôi heo, họ làm nghề… thiếng heo. Người ta đạp xe ba bánh, họ không có xe, họ đạp xe ba bánh mướn… Họ sống như một người tu. Nhưng họ làm tất cả để hóa thân thành người ở giữa đời, và còn hơn một người ở giữa đời để chỉ nhắm một trọng tâm duy nhất: bảo vệ lý tưởng linh mục đến cùng, dù phải bảo vệ ngay trong hoàn cảnh chẳng còn gì để phải nhọc lòng bảo vệ, chẳng còn gì nhọc lòng chờ đợi. Có người thất vọng giùm họ, nhiều anh em cán bộ quen biết cũng “tỏ tình thương”, khuyên họ về nhà… kiếm “bà xả” cho xong. Họ chỉ cười, một nụ cười đôn hậu. Một nụ cười mà chỉ có niềm tin tưởng vào Chúa, họ mới đủ hy vọng giữa hoàn cảnh không còn một chút hy vọng nào. Trong niềm tin và hy vọng vào Chúa như thế, họ thân ái trao tặng những người “thương” họ cả một vành trăng mới trên đôi môi cười của mình. Dù khó nhọc đến đâu họ vẫn cười. Dù phải lướt qua bao nhiêu gập ghềng, chông chênh, họ vẫn cười. Dù chỉ còn thất vọng giữa lúc tưởng chừng hy vọng về lý tưởng linh mục đến lúc tàn, họ vẫn cười. Một nụ cười hình vầng trăng khuyết trên vành môi. Đẹp kiêu sa!  

Anh em thân mến, những đàn anh của chúng ta được Chúa Kitô mời gọi hãy từ bỏ để theo Chúa. Và họ đã từ bỏ. Họ được Chúa Kitô mời gọi phó thác cho tình yêu của Chúa. Và họ đã phó thác. Họ được Chúa Kitô mời gọi vác thập giá với Chúa. Và họ đã vác. Họ được Chúa Kitô mời gọi bước vào cuộc tử nạn và chịu đóng đinh với Chúa. Và họ bước. Họ đã đơn sơ, chân thành theo Chúa, vì Chúa mới chính là lý tưởng linh mục của đời họ. Tất cả những hang hùm, sói dữ chỉ là những thử thách, những cái giá mà họ phải chấp nhận trả cho chính lý tưởng linh mục của họ. Có Chúa, họ không sợ gì. Có Chúa, họ vượt trên miệng hùm, miệng sói. Lý tưởng linh mục của họ thật quý giá. Bởi lý tưởng linh mục ấy, họ đã phải trả giá đắc…”.

Không chỉ hôm nay, mà từ ngàn xưa, để theo Chúa, con người cũng đã phải trả giá. Tổ Phụ Abraham chấp nhận bỏ quê hương, bỏ mọi thứ yên ổn, giàu sang, gia đình, họ hàng… nơi quê hương để theo Chúa. Hoàng hậu Ette chấp nhận liều mình đến trước vua để cứu dân của bà khỏi cái giá treo cổ. Ông Samson đã chấp nhận liều thân, và đã hy sinh thân mình cùng chết với kẻ thù để giải thoát dân tộc. Anh em nhà Macabê, đặc biệt Giuđa Macabê chấp nhận liều thân để bảo vệ đến cùng cho lề luật của Thiên Chúa, cũng chính là lề luật ngàn đời của cha ông để lại. Đến thời các tiên tri, không một tiên tri nào không trả giá, có lúc trả giá đớn đau, thậm chí trả giá bằng chính mạng sống để theo Chúa, để hoàn thành sứ mạng Chúa trao…

Các thánh tông đồ, một khi theo Chúa, cũng đã trả giá. Lời Chúa hôm nay ngỏ với các tông đồ, cũng là lời ngỏ dành cho chúng ta. Lời ngỏ ấy xem ra là một lời hứa vinh quang, danh dự, một lời hứa ban sự thành công: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người ta”. Nhưng tôi lại đọc thấy bên trong của lời ngỏ ấy là cả một chiều dài của sự trả giá.

Bài Tin Mừng hôm nay cho biết khởi đầu của sự trả giá ấy. Bằng lời ngỏ “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người ta”, Chúa Giêsu tuyển chọn bốn tông đồ đầu tiên đi theo Chúa là: Simon Phêrô; Anrê; Giacôbê; Gioan. Bốn tông đồ này là hai cặp anh em ruột: thánh Anrê là anh thánh Phêrô; thánh Giacôbê là anh thánh Gioan. Đây là bước khởi đầu cho việc thực hiện đường lối cứu độ của Chúa và thiết lập Hội Thánh. Thái độ của các môn đệ đầu tiên là thái độ đáng để chúng ta học tập: Sau khi nghe Chúa mời gọi, ngay lập tức, họ đã bỏ mọi sự mà theo Chúa. Thánh Mathêô ghi nhận: Lập tức các ông bỏ mọi sự mà ra đi theo tiếng gọi của Chúa. Thánh Mathêu thật tinh tế khi dùng hai từ “lập tức”: “Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người… Lập tức các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà đi theo Người”. “Lập tức”, tự bản thân từ ngữ này đã diễn tả đầy đủ sự mau lẹ, sự dứt khoát, sự từ bỏ không một chút luyến tiếc, và cả sự đam mê bước theo tiếng Chúa gọi nữa. Cái giá ban đầu của sự theo Chúa, của ơn được tuyển chọn dứt khoát và mạnh mẽ là thế: “Bỏ!”:

- Bỏ chài lưới, bỏ thuyền: Không chỉ đơn thuần là bỏ một việc làm, mà còn là bỏ tất cả phương tiện để nuôi sống mình, nuôi sống gia đình mình. Không chỉ là bỏ một nghề nghiệp, mà còn là bỏ cả sự ổn định, bỏ cả một trật tự của đời sống đã quá quen thuộc của cá nhân mình, bỏ cả một sự nghiệp mà bản thân gắn bó với nó từ thời cha ông đến thời con cháu. Bỏ như thế để đi theo Đấng đã gọi mình cũng có nghĩa là tín thác hoàn toàn trong tay Đấng đã mời gọi mình chính đời mình, gia đình mình, tương lai của mọi người mà mình có trách nhiệm.

- Bỏ cha: Không chỉ là từ giả người thân mà ra đi theo tiếng Chúa gọi, mà đó chính là từ bỏ cả tình ruột thịt, máu mủ. Để cha lại trên thuyền mà theo Chúa là quyết tâm đặt Chúa lên trên cả lòng thảo hiếu, trên cả tình cảm cha con theo cách của trần thế, để từ nay nhìn nhận Chúa thực là Thầy, là Cha của mình. Cất dấu tình cảm trần thế để bước theo tiếng gọi của trời cao, các môn đệ đầu tiên đã chọn cho mình lý tưởng thuộc về trời cao, thuộc về Thiên Chúa mà ấp ủ, mà yêu mến và sống chết cho lý tưởng ấy. Bỏ người thân để đi theo Đấng đã gọi mình, cũng có nghĩa là hoàn toàn hiến dâng người thân của mình trong tay Đấng đã gọi mình.

Để nhấn mạnh trách nhiệm của người được tuyển chọn, Chúa Giêsu xác định ngay từ cuộc gặp gỡ đầu tiên với các ông: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi thành những kẻ chài lưới người ta”. Như vậy, trong lời mời gọi, điều mà Chúa nhắm đến trước tiên không phải là vinh quang danh dự của bản thân các tông đồ, mà là trách nhiệm, là nghĩa vụ: Phải chài lưới người. Các ngươi là những người cần thiết cho sự nghiệp của Ta, cho vương quốc của Ta. Bởi khi kiên trì trong việc thả lưới, giúp các ngươi kiên nhẫn đợi chờ trong việc chài lưới người về cùng Ta. Sự hòa đồng vốn có của những người ngư phủ giúp các ngươi dễ chấp nhận nhau, dễ làm việc chung phục vụ cho công cuộc của Ta. Sự can đảm trước sóng gió giúp các ngươi bình tỉnh trong những nghịch cảnh mà vì danh Ta, các ngươi có thể sẽ phải đối đầu. Khả năng nhận biết khi nào và chỗ nào nên thả lưới, giúp các ngươi khám phá những vùng đất cần sự truyền giáo để sáng danh Ta.

Đàng khác, “Hãy theo Ta”, có nghĩa là hãy lên đường với Ta, hãy gắn bó cùng Ta, hãy chia sẻ thao thức của Ta, hãy mang lấy gánh mà Ta phải gánh, hãy sống như Ta, hãy yêu như Ta, hãy chết cho người mình yêu như Ta đã chấp nhận chết… Để theo Ta, đúng hơn là, để giống như Ta, để nên một cùng Ta, đòi các ngươi phải chấp nhận trả giá. Cái giá phải trả thật lớn lao, thật quang trọng đối với các ngươi. Bởi đó là những gì thân thuộc nhất, cần thiết nhất, ổn định nhất, cao quý nhất, căn bản nhất cho cuộc đời trần thế của các ngươi.

Từ nội dung bài Tin Mừng cho ta bài học quý giá, đó là: Muốn theo Chúa, muốn làm tông đồ, làm nhà truyền giáo của Chúa, phải chấp nhận trả giá, có khi đó là giá đắt. Sự trả giá ấy, đòi hỏi người tông đồ phải từ bỏ, phải trở nên một con người không vướng bận một chút lo toan vật chất, của cải nào. Đúng hơn, đi theo Chúa, chỉ cần người môn đệ mang theo trong tâm hồn mình một thứ hành trang duy nhất cần thiết, đó là lòng yêu mến và tin tưởng phó thác mà thôi, mọi của cải vật chất, mọi tiện nghi, mọi sự thuộc về trần thế… đều trở thành chướng ngại cho việc truyền giáo. Bởi công tác truyền giáo là công tác khó khăn. Chỉ có lòng yêu mền và tín thác vào Chúa, ta mới có thể vượt qua.

Các Tổ phụ đã chấp nhận trả giá. Các Thủ lãnh và các tiên tri thời Cựu Ước đã chấp nhận trả giá. Các tông đồ đã chấp nhận trả giá. Các bạn trẻ dự tu, họ là những thanh niên có học, có địa vị giữa đời, nhưng họ đã chấp nhận trả giá. Hay trong bài nói chuyện với các bạn, tôi nói đến hàng hàng lớp lớp các linh mục trẻ tuổi có, lớn tuổi có, trên khắp đất nước này, vì danh Chúa Kitô, cũng đã chấp nhận trả giá. Nhưng tôi còn nhìn thấy, không chỉ các linh mục, mà còn vô số anh chị em tín hữu, vô số các tu sĩ đã chấp nhận trả giá. Chúng ta kính phục họ vì họ quyết một lòng tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta yêu mến họ vì họ không bao giờ nhường bước trước sóng gió vì lòng yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta noi gương họ vì họ đã sống như Chúa Kitô đã sống.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tâm hồn tông đồ, để chúng con biết hiến dâng cho Chúa tất cả nhiệt huyết, tất cả tình yêu, tất cả sự sống của chúng con để danh Chúa được cả sáng. Chúng con tin rằng, như các môn đệ của Chúa khi xưa, và như biết bao nhiêu anh chị em của chúng con trên khắp đất nước này, nếu chúng con biết từ bỏ mọi sự theo Chúa, chấp nhận trả giá để Chúa được tôn vinh, Chúa cũng sẽ biến đổi chúng con thành “những kẻ chài lưới người ta”. Amen.

Lm. VŨ XUÂN HẠNH

Mục lục

 

HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

200 ngàn người tập hợp để tỏ lòng ưu ái với Đức Thánh Cha

Vatican (CNA) – Nhiều đoàn người Ý tràn vào quảng trường Thánh Phêrô sáng chủ nhật hôm qua để gửi tới Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI lời chào mừng ngài bị chối từ tại trường đại học La Sapienza.

Đáp lời mời hồi đầu tuần của giáo chủ thành phố Roma là hồng y Camillo Ruini, gần 200 ngàn người, có nhiều người từ rất xa đến, tập hợp để bày tỏ sự hiệp nhất và hỗ trợ Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI.

Hai ngày trước, khi Đức giáo hoàng dự tính sẽ đọc bài diễn từ trước sinh viên và ban giảng huấn tại đại học La Sapienza nhân ngày khai giảng niên học 2008, một nhóm nhỏ sinh viên và giáo sư tung ra một cuộc phản kháng ầm ĩ, kết án Đức giáo hoàng là người chống đối khoa học, dựa trên một lời trích dẫn ngoài văn cảnh 10 năm trước đây của ngài lúc đó còn là hồng y Ratzinger. Tòa thánh hủy bỏ cuộc viếng thăm La Sapienza của Đức Thánh Cha sau khi các sinh viên đe dọa phá bài diễn từ của ngài bằng âm nhạc ầm ĩ và biểu tình phản đối.

Trong số những người tập hợp tại quảng trường hôm nay cũng có những người không theo Công giáo nhưng uất ức vì một thiểu số đã có thể áp đảo được sự tự do phát biểu.

Những người khác, như tiến sĩ Sylvia Boca, cựu sinh viên đã tốt nghiệp từ La Sapienza, muốn bày tỏ với Đức Thánh Cha rằng đại đa số sinh viên tại trường này đều tôn trọng Đức Thánh Cha và sự hiện của ngài là một vinh dự đối với họ. Như ta đã biết, trường đại học này được thành lập 700 năm trước đây và hiện có tới 4500 giáo sư và 130 ngàn sinh viên.

Khi chuông vang lên báo hiệu buổi trưa, Đức giáo hoàng xuất hiện nơi cửa sổ để chào đám đông dân chúng đang hoan hô ngài. Họ cầm các biểu ngữ, hoặc phất cờ và hô lớn: “Ngài không đến thì chúng con đến với ngài!”

Tiếp theo sau Kinh truyền tin và lời nhắn nhủ của ngài về Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo, Bênêđictô XVI quay sang đám đông đang chào mừng ngài và bày tỏ sự biết ơn chân thành vì đã hỗ trợ ngài. Ngài cũng thuật lại các sự việc tuần qua đưa đến quyết định từ chối lới mời phát biểu tại La Sapienza:

“Trước hết tôi muốn chào mừng những người trẻ từ trường đại học (La Sapienza), các giáo sư và tất cả mọi người đã đến đây hôm nay rất đông đảo tại quảng trường Thánh Phêrô để tham dự buổi đọc kinh Truyền tin và để bày tỏ tình hiệp nhất đối với tôi.”

Ngài cũng chào mừng hồng y Ruini, người đã thúc giục dân chúng Ý bày tỏ sự hỗ trợ ngài, cũng như các vị hồng y và các viên chức giáo triều đang ngồi bên ngoài cửa đền Thánh Phêrô.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI vắn tắt thuật lại các sự việc tuần qua: “Như quý vị biết, tôi chân thành nhận lời mời tới dự lễ khai giảng hôm thứ năm tuần rồi. Tôi biết rõ về trường đại học này và tôi yêu mến các sinh viên: hàng năm vào nhiều dịp khác nhau họ tới gặp tôi ở Vatican cùng với sinh viên từ các trường đại học khác. Chẳng may, như ai cũng đã rõ, người ta đã tạo ra một không khí khiến cho sự hiện diện của tôi không thích hợp. Thế nhưng tôi đã gửi đến trường bản văn tôi đã soạn cho dịp này.

Nói về tình yêu đối với đại học trong cương vị một giáo sư, Đức Thánh Cha giải thích: “Tôi có rất nhiều liên hệ với môi trường đại học, đó là thế giới tôi đã sống nhiều năm, vì lòng yêu mến muốn kiếm tìm chân lý, qua cuộc đối thoại chân thành và tôn trọng quan điểm của người khác. Đó cũng là sứ vụ của Giáo hội, có nhiệm vụ trung thành đi theo Đức Giêsu, đấng tác tạo sự sống, chân lý và tình yêu.

Đức Thánh Cha nói rằng trong vai trò là một giáo sư “danh dự”, ngài khuyến khích mọi sinh viên hãy luôn luôn tôn trọng ý kiến người khác và luôn luôn tìm kiếm chân lý và điều thiện hảo trong tinh thần tự do và trách nhiệm.

Cuối cùng, ngài nói rằng có thể là những hoàn cảnh không may xảy ra tuần qua lại là điều rất tốt, vì nó lôi cuốn được rất nhiều người tập hợp với nhau trong tinh thần hiệp nhất và đoàn kết. (Phụng Nghi)

Mục lục

 

Emmanuel Milingo xuất bản sách mới gây thêm những tranh cãi

Tổng Giám Mục bị vạ thuyệt thông Emmanuel Milingo phủ nhận là ông ta đang thành lập một giáo hội ly khai trong một phiên họp báo tại Rôma để cho ra mắt cuốn tiểu sử nhan đề khá nực cười là Confessions of an Excommunicate (Những lời tự thú của một người bị Vạ Tuyệt Thông)

Vị cựu Giám Mục Phi Châu này đang viếng Rôma lần đầu tiên sau khi bị vạ tuyệt thông vào tháng 9/2006 nói với các ký giả là “không có gì mâu thuẫn giữa hôn nhân và thừa tác vụ linh mục”. Ông ta thề sẽ đẩy mạnh chiến dịch nhằm chấm dứt kỷ luật độc thân linh mục cho đến cùng, cho rằng các linh mục đã lập gia đình “có quyền ở lại trong Giáo Hội Công Giáo”.

Ông Milingo, cũng là người Zambia và từng là giám mục Lusaka, đã bị Tòa Thánh ra vạ tuyệt thông hồi tháng 9/2006. Từ đó, Milingo đã theo đuổi cuộc vận động bãi bỏ luật độc thân linh mục. Sau khi tấn phong giám mục cho 4 cựu linh mục tại Hoa Kỳ đã có gia đình, Milingo đã truyền chức linh mục và tấn phong giám mục bừa bãi cho nhiều người ở các quốc gia khác.

Tòa Thánh quan tâm theo dõi các hoạt động của Emmanuel Milingo với những ưu tư lo lắng và các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã liên tục đưa ra các nỗ lực để ngăn chặn Emmanuel Milingo đừng gây nên những tai tiếng cho Giáo Hội. Tuy nhiên, bất chấp những khuyên bảo của nhiều người, nhiều phía Emmanuel Milingo tiếp tục gây ra hết lỗi lầm này đến sa ngã khác.

Được biết năm 1983, Emmanuel Milingo đã bị buộc phải từ chức Tổng Giám Mục Lusaka, Zambia vì những hành vi không đúng đắn. Năm 2001, Emmanuel Milingo gia nhập giáo phái Sun Myung Moon và kết hôn với Maria Sung, một phụ nữ Đại Hàn. Cuối năm đó, Emmanuel Milingo được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho quay về với Giáo Hội và sống tại Rôma. Tháng 6/2006, Emmanuel Milingo biến mất khỏi nơi cư trú tại Rôma và gia nhập nhóm George Stallings, một linh mục thuộc tổng giáo phận Washington đã bị treo chén và đang điều hành một giáo phái gần Capitol Hill. Emmanuel Milingo đã xuất hiện cùng George Stallings trong một buổi họp báo tại Washington DC vào tháng 7/2006 kêu gọi Giáo Hội bãi bỏ luật độc thân linh mục.

Mục lục

 

Cột trụ của Tổ Chức Birthright là Hội Hiệp Sĩ Columbus

NEW HEAVEN (Connecticut).- Trong nổ lực nhằm để cứu vớt tất cả các mạng sống, Hội Hiệp Sĩ Columbus đã can đảm tham gia vào cuộc chiến chống lại Tổ Chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình (Planned Parenthood) - một tổ chức được tài trợ rất nhiều, rất mạnh và có rất đông nhân viên

Tổ Chức Kế Hoạch Hóa Gia Đình đã thực hiện được 264,943 vụ phá thai trong năm 2005, và nhận được $305.3 triệu Mỹ kim tiền đóng thuế của người dân Hoa Kỳ, và $212.2 triệu Mỹ kim do các công ty và các đại gia tài trợ trong tài khóa 2005-2006 vừa qua.

Ngược lại, Tổ Chức Birthright lại không được như vậy, và chỉ nhận được sự tài trợ của các cá nhân mà thôi, để chi phí cho gần hơn 300 trung tâm trên khắp cả nước Hoa Kỳ.

Theo Cô Terry Weaver, Giám Đốc của Tổ Chức Birthright thì mỗi một văn phòng cần từ $10,000 đến $20,000 mỗi năm để hoạt động.

Hội Hiệp Sĩ Columbus hằng năm vẫn chi ngân sách để cho Tổ Chức Birthright được hoạt động, qua việc thiết lập các đường dây điện thoại nóng 24 giờ/ngày và 7 ngày/1 tuần, chỉ với 10 nhân viên được trả lương, và 28 thỉnh nguyện viên mà thôi.

Theo trung bình, cứ mỗi ngày, Tổ Chức Birthright cứu được 3 mạng sống của trẻ em vô tội, và năm ngoái, Birthright đã cứu được mạng sống của 81 em tại Atlanta

Mục lục

 

Tân Bề Trên Cả Dòng Tên: gần trọn cuộc đời phục vụ tại Á Châu và thương mến Việt Nam

 

Dòng Tên đã có vị Tân Bề Trên Cả Dòng Tên đã đắc cử sau lầu bầu chung kết vòng 2, Linh Mục người Tây Ban Nha Adolfo Nicolas, nguyên là Bề Trên Dòng Tên tại Đông Nam Á. Đây là vị Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên lần thứ 30 và là vị thứ 29 kế nhiệm Đấng sáng lập Dòng, Thánh I Nhã thành Loyola.


Cha Nicolas làm việc tại Tokyo, một người rất khiêm nhường, sáng suốt, thông minh và rất thánh thiện, rất ít được nhiều người biết đến, cũng như ít được nhiều người đoán mò xếp vào danh sách xem ai sẽ là vị tân Bề Trên Cả Dòng Tên tương lai kế nhiệm Cha Peter- Hans Kolvenbach. Vì Cha Nicolas không có nhiều kinh nghiệm làm việc tại Roma.


Thế nhưng, Deo Gratias! Với ơn Chúa quan phòng, Cha Nicolas đã được chọn, ngài từng là Bề Trên tỉnh dòng tại Nhật Bản, đã theo học 3 năm tại Đại Học Greogoriô tại Roma và suốt 3 thập niên, Cha làm giảng sư tại Đại Học Sofia ở Nhật Bản, và hẳn nhiên là không lạ gì là Cha đã nói tiếng Nhật như tiếng mẹ đẻ.


Được ca ngợi như là vị “có tấm lòng niềm nở, sáng suốt, khôn ngoan và đạo đức”, thành thạo 4 ngoại ngữ ngữ Anh, Pháp, Ý, Nhật. Cha Nicolas người Tây Ban Nha đã được 217 đại biểu trong Tổng Tu Nghị Dòng Tên lần thứ 35 tuyển chọn sau vòng bầu cử chung kết lần 2.


Cha Aldofos Nicolas, không được coi như là một người Tây Ban Nha từ Châu Âu nhưng là người đến từ Châu Á, thật vậy khi vừa tròn 24 tuổi Ngài đã đến Nhật Bản và gần trọn cuộc đời Ngài đã phục vụ tại Á Châu. Sau khi được đắc cử, vào buổi trưa tại Roma, Linh Mục Dòng Tên Fernando, chủ tịch văn phòng Công Lý Xã Hội của Dòng Tên đã chính thức tuyên bố:


“Chúng tôi vừa mới xong cuộc bầu cử cách đây một vài phút. Tôi vui mừng tuyên bố rằng chúng tôi đã có một vị Tân Bề Trên Cả Dòng Tên. Thật là niềm vui cực độ khi các thành viên trong Hội nghị đã đến chào mừng và ôm lấy vị tân Bề Trên Tổng Quyền. Cha Adolfo Nicolas SJ là một người đến từ Á Châu, một thần học gia từ Nhật Bản, nhưng sinh trưởng tại Palencia- Tây Ban Nha vào năm 1936. Ngài đại diện cho một thế hệ mới cho các vị thừa sai Tây Ban Nha tại Nhật Bản sau Cha Arrupe.”


“Ngài đã gia nhập Dòng Tên tại tập viện Aranjuez, một làng nhỏ bé gần Madrid vào năm 1953. Sau khi tốt nghiệp Triết Học tại Alcalá, Madrid vào năm 1960, rồi Ngài đã đi Nhật Bản vùi mình trong ngôn ngữ và văn hóa Nhật. Năm 1964, Ngài bắt đầu theo học Thần Học tại Đại Học Sophia, Tokyo và được thụ phong Linh Mục vào ngày 17 tháng Ba năm 1967 tại Tokyo. “


“Sau khi lấy bằng Cao Học Thần Học tại Đại Học Gregoriô, Roma, Cha trở về Nhật Bản làm Giảng Sư Thần Học Phương Pháp Luận tại Đại Học Sophia. Từ năm 1978 đến năm 1984, Cha trở thành Giám Đốc Học Viện Mục Vụ tại Manila, Phi Luật Tân và làm Giám Đốc Học Viện Thần Học cho các tu sĩ trẻ Dòng Tên tại Á Châu. Từ năm 1993 đến năm 1999 Ngài được cử làm Bề Trên Tỉnh Dòng Tên tại Nhật Bản.”

“Sau những năm tháng không ngừng nghỉ trong “quyền hạn” của mình, Cha đã dành thời gian 3 năm làm việc tại một giáo xứ cho những người di dân nghèo túng tại Tokyo. Công việc của Ngài thật gian truân, thế nhưng Ngài đã có thể giúp cả ngàn người Phi Luật Tân và những người di dân Á Châu và cảm nghiệm trực diện đến những nỗi thống khổ của họ. Bằng cách này, sau rất nhiều năm nó đã trở nên việc mục vụ quan trọng nhất đối với ngài, là lòng yêu thương đối với người nghèo và người bị áp bức mà Ngài đã có như hiện nay.”

Năm 2004 một lần nữa lại điều hành những chức vụ và được bổ nhiệm chịu trách nhiệm toàn thể Dòng Tên trong vùng Đông Á bao gồm các quốc gia từ Miến Điện đến Đông Timo, bao gồm tân tỉnh dòng tại Trung Hoa. Trong những năm này Cha có thể ủng hộ nâng đỡ đến hiện tượng lớn mạnh của Dòng Tên hiện diện tại Việt Nam và tại những quốc gia khác. (Xin mở ngoặc ở đây vào năm 2005, 15 tập sinh Dòng Tên Việt Nam khấn dòng tại Tu Viện Tam Hà vào tháng 5, kể là con số khấn Dòng đáng kể từ trước tới nay).”


“Một số người có thể nói sau khi cử hành 100 năm sinh nhật của Cha Arrupe (vị thừa sai Dòng Tên tại Nhật Bản), Dòng Tên đã bầu vị Bề Trên Tổng Quyền có rất nhiều gần gũi với quy tắc của Ngài (Cha Arrupe). Có lẽ đó là Dòng muốn khẳng định lại một lần nữa đặc tính truyền giáo và sự cam kết của mình tới tất cả mọi dân tộc và các nền văn hóa.”


Từ tư liệu năm 2007:


Đã được 46 năm từ khi Cha Adolfo Nicolas lần đầu tiên đặt chân đến Nhật Bản với tư cách là môt nhà truyền giáo đến từ Tây Ban Nha. Đó đã là một cuộc đàm luận lâu dài, đầu tiên tại Nhật Bản, nhưng rồi cũng tại Triều Tiên và mới đây tại Phi Luật Tân. Nó đã thuyết phục Ngài rằng Phương Tây không có một độc quyền về ý nghĩa và linh đạo và có thể học được rất nhiều từ kinh nghiệm của các nền văn hóa Á Châu.


Cha Nicolas đã nói “Á Châu có rất nhiều để cống hiến cho Giáo Hội, cho toàn thể Giáo Hội, nhưng chúng ta đã chưa làm. Có lẽ chúng ta chưa có can đảm đủ, hay chúng ta chưa mạo hiểm đủ như điều chúng ta đáng nên làm”.


Có thể nói là có cả đến khối sách, để Cha Nicolas nói về Á Châu, Ngài đã dùng từ “chúng tôi”. Khi là Bề Trên Dòng Tên tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ngài đã có trách nhiệm để mang tu sĩ Dòng Tên trong vùng cùng nhau vượt khỏi biên giới của chính quốc gia mình, và an tâm đối đầu với toàn cầu.


Nhóm mà Ngài đại diện kéo dài từ Trung Hoa và Miến Điện về hướng Tây, đến Đại Hàn về hướng Bắc, Úc tại phía Nam và các nước trong quần đảo thuộc hướng Đông. Họ đã cùng nhau trở thành một nhóm từ các nền văn hóa và xã hội khác nhau một cách lạ thường. Từ những quốc gia mà Kitô Giáo rất mạnh mẽ trong quá khứ nhưng đang trên đường phôi pha, đến những nơi mà Kitô Giáo chỉ là một số nhỏ nhưng là một thiểu số sống động.


Nếu được hỏi con người đến từ một nền văn hóa như Nhật Bản, thì cảm nghiệm Linh Thao I Nhã có khác gì với phương Tây, Cha Nicolas nói rằng cảm nghiệm thật sự khác nhau nhưng rồi cũng đúc thành khuôn khổ.


“Tôi nghĩ đến kinh nghiệm thật sự tại Nhật Bản thì xa lạ. Và nói phải xa lạ. Nhưng khuôn khổ vẫn gần giống như khuôn khổ của Phương Tây".


Một Linh Mục Dòng Tên Nhật Bản, Cha Katoaki, mới đây đã dịch và thêm lời bình luận đến cuốn sách Linh Thao từ bối cảnh của người Nhật đa số theo Phật Giáo. Cha Aldofo nói rằng đã có những cuộc hội thảo là cuốn sách Linh Thao có nên đưa ra trình bày cho người Kitô Giáo hay không, và nếu có thì phải trình bày như thế nào.

“Câu hỏi là làm thế nào để đưa kinh nghiệm I Nhã cho người Phật Giáo. Không thể nào đúc kết theo từ Kitô Giáo, như những gì Cha I Nhã yêu cầu, nhưng đi đến trọng tâm của linh thao. Những gì sẽ xảy ra khi một người đã trải qua nhiều lần linh thao, rồi cuối cùng trở thành một người nửa nạc nửa mỡ. Đây vẫn là một thử thách lớn đối với chúng tôi”.


Trong khi so sánh một số công việc đã được thực hành linh thao I Nhã đối với người Ấn Giáo, Cha nói không có nhiều việc để mà so sánh sự giống nhau đối với nền văn hóa Nhật, Trung Hoa và Đại Hàn. Cha nói Người Á Đông rất chậm chạp để làm điều này tại Ấn Độ, một phần vì người Á Đông có một sự tôn trọng mạnh mẽ đến truyền thống, và như thế có một sự kính trọng đối với truyền thống Kitô Giáo của Châu Âu. Tuy nhiên những sự xa xôi cách biệt trong vùng cũng tạo nên nhiều tự do hơn để sáng tạo.


Cha Nicolas nói “Thật có nhiều khoảng không để thử nghiệm, cố gắng, suy nghĩ và trao đổi”.


Cần thiết là như Cha Nicolas nói Linh Thao là để Thiên Chúa hướng dẫn con người. Đây chính là điều mà những vị hướng dẫn tĩnh tâm đã phải cẩn trọng trong quá khứ, nhưng còn có những điều quan trọng khi tiếp xúc đối với những người có quá trình từ các nền văn hóa khác nhau.


Cha Nicolas nói rằng “Sự thật là nếu Thiên Chúa hướng dẫn người Nhật thì sẽ phải là hướng dẫn theo lối người Nhật. Và cũng giống như thế đối với người Trung Hoa và với con người đến từ các tôn giáo khác”.

“Rồi vị hướng dẫn Linh Thao một cách đơn giản là phải cảm thụ được, để nhìn thấy dấu chỉ rằng ở đây Thiên Chúa đang nói cái gì đó mà tôi không hiểu, và phải khiêm nhường cho đủ để tiếp tục bao lâu mà mình phải ôn hòa và cân nhắc v.v.”.


Những người khác tại khắp Á Châu đã trực diện đến các câu hỏi cho sự khác biệt văn hoá, khi làm việc truyền giáo tại Cam Bốt và tại Miến Điện, Cha Nicola nói rằng ngài đã cảnh giác đến các vị truyền giáo đã không đi vào đời sống con người, nhưng lại giữ khuôn mẫu từ nền văn hóa của họ như Âu Châu hay Mỹ Châu La Tinh trong đầu họ. Đối với họ, đó không phải là một sự trao đổi nhưng là một sự dạy dỗ và áp đặt đạo lý.



“Đối với nhưng ai đi vào đời sống con người, họ bắt đầu đặt câu hỏi hoàn toàn triệt để đến vị thế của mình. Bởi vì họ nhìn thấy tình người thành thật nơi con người có một cuộc sống đơn giản, và rồi chính sự thành thật của con người này đang đi kiếm tìm chiều sâu của một sự đơn giản hóa, thành thật, sự tốt lành mà nó không đến từ nguồn gốc nơi chúng ta”.


Đó là một cuộc đàm luận phải được tiếp tục, nếu chúng ta học được từ Á Châu và Á Châu sẽ học đượctừ chúng ta”.


Cha Nicolas kết luận “Đó là một thử thách lớn lao, và tôi nghĩ thật sự đó là một thử thách mà chúng ta phải đối đầu. Chúng ta không phải có một sự áp đặt, và chúng ta phải có nhiều điều để học hỏi”.


Tân Bề Trên Tổng Quyền Dòng Tên lần thứ 30, Cha Aldofo Nicolas thật sự là một chiếc cầu nối trong Giáo Hội giữa Đông và Tây để lèo lái con thuyền Dòng Tên với con số hơn 19,000 tu sĩ có mặt khắp nơi trên thế giới.

( tổng hợp các nguồn tin Công Giáo Thế Giới)

Mục lục

 

Lễ đặt viên đá nhà thờ Mường Riệc vùng dân tộc Mường tỉnh Hoà Bình

 

Nhà thờ xứ Mường Riệc thuộc xã Mỹ Thành, huyện Lạc Sơn tỉnh Hoà Bình với 2360 bà con giáo dân người dân tộc Mường. Nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1913, do chiến tranh bom đạn, bão táp đến nay đã bị hư hai nặng. Hai bên tường nhà thờ nghiêng 20 cm. Hai hàng cột giữa bị xiêu, mái nhà thờ bị mục nát nhiều, hai mái hạ phải gác tạm bương tre và lợp fibro-ciment, mưa nắng thường xuyên làm mái bị dột, không đảm bảo an toàn khi giáo dân tới đọc kinh tối sớm , mỗi khi có thánh lễ phải che bạt ngoài trời.

Ngày 23/01/2008 Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt cùng quý cha trong giáo phận tới dâng thánh lễ đặt viên đá xây dựng nhà thờ mới xứ Mường Riệc với tổng diện tích là 480 m2 : chiều dài 28 m8, chiều ngang 12 m2 và tháp chuông cao 25 m

Giáo xứ Mường Riệc sẽ là trung tâm mục vụ các xứ miền dân tộc Mường thuộc tỉnh Hoà Bình gồm: Mường Cát, Vụ Bản, Đồng Cháy, Mường Tre, Đồng Gội… 

Thanh Tâm

Mục lục

 

Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm : 50 năm Thành Lập

Tiếp Bước Hành Trình”

Cách đây đúng 50 năm, ngày 21-1-1958, đức cha Simon Hòa – Hiền, giám mục Sài Gòn đã ký văn bản thành lập Dòng Nữ Đaminh Thánh Tâm, Hố Nai. Năm 1965, cùng với việc thành lập giáo phận Xuân Lộc, Hội Dòng thuộc về giáo phận mới.

Nhân kỷ niệm kim khánh thành lập, Hội dòng đã long trọng tổ chức ba ngày liên tiếp : 19, 20 và 21 tháng 1 năm 2008, tại trụ sở Hội Dòng, 155/5 khu phố 9, Tân Biên, Biên Hòa.

Ngày 19 : Sinh hoạt nội bộ Hội dòng. Thánh lễ do cha giám tỉnh Giuse Ngô Sĩ Đình chủ sự. Ngày 20 : Dành cho các ân nhân, đại diện các hội dòng khác, các giáo sư và thân hữu tại các địa bàn chị em đang hoạt động. Thánh lễ do đức cha phụ tá tổng giáo phận Sài Gòn, Giuse Vũ Duy Thống chủ sự. Và ngày 21 : Các khách mời thuộc giáo phận Xuân Lộc. Thánh lễ do đức giám mục Xuân Lộc, Đaminh Nguyễn Chu Trinh chủ sự.

Trong các buổi sinh hoạt, đông đảo chị em trong hội dòng đã góp phần vào nhạc cảnh : “50 năm trên hành trình sứ vụ”. Nhạc cảnh được chuẩn bị khá công phu, sống động, nhiều mầu sắc và khá chuyên nghiệp, thông qua các chủ đề chính :

1- Từ lòng đất Mẹ : Đất nước Việt Nam hữu tình, đã đón nhận ánh sáng tin mừng gần 500 năm qua. Cùng với GHVN, chị em nữ Đaminh cũng trải qua những thử thách thời bách hại. An bình trờ lại, việc lập hội dòng đã tiến hành, rồi bị gián đoạn vì biến cố di cư 1954.

2- Tiến trình hình thành, những ngày khởi đầu và phát triển : Ôn lại đôi nét về lịch sử thuở ban đầu, những khó khăn thử thách, những sú vụ đang nỗ lực hoàn thành, và các cộng đoàn hiện nay của hội dòng.

Cũng nhân dịp này chị em đã hoàn thành nhà truyền thống, với nhiều nét sáng tạo về hình thức và phong phú về nội dung về các giai đoạn lịch sử hội dòng, các sinh hoạt chính, các cộng đoàn, các ân nhân và chị em đã qua đời. Nhà truyền thống cũng trưng bày nhiều di vật đặc biệt như các tập vở chép tay những bài huấn đức của cha G. Hoàng Mạnh Hiền, sợi dây thánh Tôma thời cha Nguyễn Khắc Tuần…

Hiện nay hội dòng có trên 300 tu sĩ hiện diện trong 22 cộng đoàn tại các giáo phận Xuân Lộc, Sài Gòn. Bà Rịa, Phú Cường, Long Xuyên, Cần Thơ, Buôn Ma Thuột, Gaveston và Victoria (Houston, T,X, USA). Bề trên hiện nay, nữ tu Têrêsa Phạm Thị Bạch Tuyết.

Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam

Mục lục



 

Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tọa đàm về Giáo Dục

 

SAIGÒN -- Ngày 19-01-2008, Câu Lạc Bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình tổ chức buổi tọa đàm xoay quanh “Những Vấn Đề Giáo Dục hiện nay - Quan điểm và Giải Pháp”. Đây cũng là tên một tập sách do Nhà Xuất bản Tri Thức ấn hành cuối năm 2007, tập hợp các nhận định về thực trạng nền giáo dục nước nhà cũng như đề xuất các giải pháp canh tân, do các nhà trí thức và khoa học tâm huyết, kể cả Việt kiều, đã từng nêu trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đệ trình lên các cấp lãnh đạo hữu quan.


Các thuyết trình viên gồm: GSTS Chu Hảo, Giám Đốc NXB Tri Thức, nguyên thứ trưởng Bộ Khoa Học, Công Nghệ và Môi Trường; và hai trong số các tác giả những bài viết trong tập sách nói trên: Nhà Văn Nguyên Ngọc và Tiến sĩ Bùi Văn Nam Sơn.

 

Hiện diện trong buổi hội thảo gồm đa số thành viên CLB và khoảng 200 khách mời, thuộc giới công giáo thao thức cho nền giáo dục Việt Nam; trong đó có các bề trên nhiều dòng, đặc biệt là các dòng chuyên lo về giáo dục như Don Bosco, La San, Dòng Đức Bà, Dòng Phaolô, Dòng Tên vv… cùng với nhiều giáo sư và giảng sư các đại học TP Hồ Chí Minh.


Mở đầu, GSTS Chu Hảo giới thiệu về hoạt động của nhà Xuất Bản Tri Thức. Từ nhiều năm qua, bản thân ông và nhiều học giả Việt Nam thao thức trước hiện trạng phát triển bất cân xứng giữa Kinh Tế và Giáo Dục. Kinh Tế chuyển biến càng nhanh để hội nhập với thế giới thì Giáo Dục càng xuống dốc từ chất lượng kiến thức, khả năng tư duy đến đạo đức của những người đi học lẫn những người làm công tác giáo dục. Một trong các lý do căn bản, ấy là vì trong một thời gian khá lâu yếu tố chính trị được xem là vấn đề sống còn của đất nước, nên những mảng khác của kiến thức nhân loại đã bị bỏ quên. Hiện nay, các nỗ lực của Nhà Nước phần lớn là dồn về mặt trận kinh tế, trong khi đó người trẻ Việt Nam không được tiếp cận với ‘tinh hoa tri thức nhân loại’. Sự ra đời của NXB Tri Thức là để phổ biến trong vòng một thập niên từ 500 đến 700 đầu sách, vốn được nhân loại nhìn nhận như là những tri thức căn bản và nền tảng cho mọi xã hội văn minh. Trong năm 2007, NXB Tri thức đã thức hiện được 30 đầu sách.


Nhà văn Nguyên Ngọc xoáy sâu vào vấn đề chính, đó là quan điểm và giải pháp Giáo Dục. Ông tóm lược ý trong bài viết của mình bằng cách nhấn mạnh đến triết lý giáo dục. Từ ngày khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đến nay học sinh sinh viên được đào tạo dựa trên một ‘chân lý’ có sẵn và bất di bất dịch. Mọi người trong xã hội nói chung và các nhà giáo dục nói riêng chỉ có việc quán triệt ‘chân lý’ ấy để áp dụng vào công việc đào tạo của mình. Thế nhưng, theo ông, không có một chân lý nào do một người, hay một nhóm người, đề ra có thể xem là một chân lý tuyệt đối, mà phải là một sự tìm kiếm liên tục từ thế hệ này đến thế hệ khác. Do đó học sinh sinh viên phải được đào tạo, không phải là để ‘quán triệt’ cái chân lý cố định ấy và tuân theo, mà để có khả năng tư duy độc lập, hầu chính mình tìm ra chân lý cho bản thân mình, cho đất nước mình và cho nhân loại.

 

Việc xác định lại triết lý giáo dục sẽ còn nhiều khó khăn, vì bộ máy giáo dục chỉ là bộ máy con trong một bộ máy mẹ, và khi bộ máy mẹ chưa thay đổi thì bộ máy con khó lòng mà chuyển biến. Tuy nhiên, ông nghĩ rằng những nỗ lực của người dân, nhất là người dân trí thức, cùng góp sức với nhau để làm mà không chờ đợi sự thay đổi từ trên sẽ có tác dụng, không những làm cho bộ máy con tốt hơn, mà có thể qua đó làm cho bộ máy mẹ nhận thấy phải chuyển biến theo đường đi lên của dân tộc.

 

Tiến Sĩ Bùi Văn Nam Sơn nhìn lại lịch sử và so sánh tình trạng giáo dục của Việt Nam với các nước khác. Ông cho thấy rằng bất cứ nước nào cũng gặp khó khăn về giáo dục. Thế nhưng hiện nay, dù phải đối diện với bao nhiêu thách thức của sức mạnh kinh tế, thì các trường Đại Học Âu Mỹ vẫn giữ được một nền giáo dục nhân bản, trong khi đó, tại Việt Nam, hình như nền giáo dục không còn giữ được những giá trị của Việt Nam nói riêng và của nhân loại nói chung. Sở dĩ như vậy là từ nhiều thế kỷ qua, các trường đại học Âu Mỹ đã phải tranh đấu cam go để được độc lập đối với guồng máy chính quyền. Hiện nay, nếu Việt Nam muốn có một nền giáo dục nhân bản thì việc đầu tiên là nền giáo dục Đại Học phải làm đủ mọi cách để có được sự độc lập của mình. Để đạt mục tiêu này, những người tâm huyết với giáo dục phải là những người đầu tiên có tinh thần suy tư độc lập và tự lập. Thực tế, trong suốt lịch sử Việt Nam, thời kỳ nào giáo dục cũng có những vấn đề, nhưng hiện nay các vấn đề gay gắt hơn, ấy là do tiến trình toàn cầu hoá kinh tế đã làm vỡ tung mọi cột móc. Thách thức này rất lớn, nhưng nhìn lại lịch sử Việt Nam, ông tin rằng dân tộc Việt Nam không cam chịu bó tay trước bất cứ thách thức nào, mà sẽ tìm ra con đường để xây dựng một nền đạo đức và văn hoá xứng tầm với thế giới.


Sau trình bày của ba vị trên, phần trao đổi và góp ý đã diễn ra sôi nổi với các phát biểu của Lm Huỳnh Công Minh, nữ tu Mai Thành, Ông Hồ Ngọc Nhuận, Giáo sư Nguyễn Xuân Nghiã, Lm Trần Tam Tỉnh và một số Linh mục, tu sĩ thuộc các hội dòng khác, chủ yếu tập trung vào các nội dung như sau:


1. Cái nguy nan hiện nay là nền đạo đức hầu như phá sản, cụ thể là sự gian dối đã có mặt khắp nơi: học gian, thi gian, nói dối, làm dối; không chỉ trong giới học trò mà ngay cả trong giới những người làm giáo dục, với những bằng thạc sĩ, tiến sĩ gian đối.


2. Vì thế, giáo dục không chỉ là chuyện hình thành một nếp tư duy độc lập ở cấp đại học mà thôi, nhưng giáo dục phải bắt đầu từ lớp mẫu giáo, bởi vì khi một học sinh thông qua tiểu học và trung học trong bầu không khí gian dối như hiện nay, thì việc giáo dục nhân cách đã quá trễ khi lên đến đại học.


3. Giáo dục không phải là lãnh vực dành riêng cho Bộ Giáo Dục và Nhà Nước mà còn là vấn đề của mọi người dân. Vì thế, mọi người có suy tư cần liên kết lại với nhau để làm tất cả những gì có thể làm được; từ việc hình thành một ‘tủ sách tinh hoa tri thức nhân loại’ đến việc tạo ra một cơ chế độc lập của đại học và hình thành một lớp trí thức tư duy độc lập và tự lập.


4. Vì tham dự viên theo lời mời của CLB P. Nguyễn Văn Bình tuyệt đại đa số là công giáo, nên cũng có ý kiến nêu lên rằng Giáo Hội phải có trách nhiệm đối với giáo dục. Giáo dục con người, trước hết là giáo dục lương tâm, và Giáo Hội Việt Nam có trách nhiệm hơn bất cứ ai để giáo dục lương tâm con người Việt Nam.


5. Cuối cùng, không thể chờ đợi một sự thay đổi của bộ máy ‘mẹ’ thì lúc đó những người thao thức mới bắt tay vào nâng cao giáo dục, mà phải liên kết những con người có tư duy độc lập để, theo khả năng và phương tiện mình, làm ‘chui’ tất cả những gì mình làm được. ‘Làm chui’ ở đây, không có nghĩa là làm sai luật pháp quốc gia, nhưng ‘làm chui’ theo nghĩa là không đợi luật pháp ‘cho phép’ rồi mới làm, mà làm tất cả những gì mà luật pháp Việt Nam hiện nay ‘không cấm’.

Trong phần đúc kết, Lm Nguyễn Thái Hợp, Chủ nhiệm CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình đã nhấn mạnh đến sự đồng thuận của giới Công giáo về các nhận định cũng như về nhiều giải pháp mà các học giả đã nêu và ước mong sự đồng thuận này ngày càng được mở rộng để có thể mang đến một tác động tích cực, một cuộc canh tân đích thực cho nền giáo dục nước nhà.


CLB. Phaolô Nguyễn Văn Bình sẽ tiếp tục nỗ lực trong lãnh vực này và hoạt động tiếp theo sẽ là một cuộc Tọa đàm về “Giáo dục Kitô giáo”, chủ đề mục vụ của HĐGMVN cho năm 2008 này.

 

CLB Nguyễn Văn Bình

Mục lục

 

 

Tuần tĩnh tâm linh mục Giáo phận Nha Trang 2008


Tuần tĩnh tâm linh mục Giáo phận Nha Trang qui tụ 136 linh mục Triều và Dòng hiện đang phục vụ trong Giáo phận, trong đó đặc biệt có sự hiện diện của 5 cha đang nghỉ hưu. Đức Cha Chính Phaolô, dù bận công việc Giám quản giáo phận Ban Mê Thuột, cũng có mặt trong các ngày tĩnh tâm cùng với Đức Cha Phó Giuse, làm cho bầu khí hiệp thông và huynh đệ giữa chủ chăn và linh mục đoàn thêm khắng khít và tràn đầy yêu thương.


Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh, Giám mục Thanh Hóa và Giám quản Phát Diệm, đã giúp giảng tĩnh tâm cho linh mục đoàn Nha Trang với chủ đề “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con” (Ga 17, 9). Đức Cha Giuse đã dựa vào một số điểm của Thư chung năm 2007 và Thư mục vụ năm 2006 của Hội đồng Giám mục Việt Nam để giúp anh em linh mục Nha Trang duyệt lại những mối quan hệ chính yếu tạo thành cuộc sống linh mục. Đó là mối quan hệ của linh mục đối với chính bản thân, đối với Chúa Giêsu, với Giám mục, anh em linh mục và giáo dân. Đức Cha Giuse đã vượt qua những ý nghĩ lúng túng khi phải đến chia sẻ với linh mục đoàn Nha Trang, vì ngài nghĩ rằng” dù có đi đâu, Nha Trang vẫn là một người mẹ đã sinh ra tôi làm linh mục và giám mục. Có cơ hội và lý do trở lại thăm giáo phận đối với tôi là một diễm phúc, là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi tôi đã ăn những hạt cơm đầu tiên trong nhà Đức Chúa Trời tại Sao Biển. Tôi là người con trở về thăm bố mẹ, gia đình, thăm lại người xưa chốn cũ nhiều hơn là về giảng tĩnh tâm”. Quả thật, những chia sẻ chân tình và thực tế của Đức Cha Giuse rất hữu ích và để lại nhiều ấn tượng nơi anh em linh mục Nha Trang.


Ngoài 7 bài giảng tĩnh tâm chia sẻ của Đức Cha giảng phòng chương trình Tuần Tĩnh tâm năm 2008 còn có bài huấn từ mục vụ của Đức Cha Chính Phaolô và những tường trình ngắn gọn của 18 ban trong giáo phận về những công việc đã làm trong năm qua cũng như những chương trình dự định cho năm 2008. Những sinh hoạt đa dạng của các ban nói lên sức sống và sự phát triển của giáo phận để ngày càng đáp ứng nhu cầu mục vụ của thời đại mà Giáo hội đang gặp nhiều thách đố.


Những việc đạo đức vào buối tối những ngày tĩnh tâm cũng có phần thay đổi so với những năm trước đây. Chẳng hạn việc cử hành sám hối cho linh mục đoàn, giờ kính thánh cả Giuse và chầu giờ thánh, được cử hành luân phiên làm cho những việc đạo đức thêm phong phú cũng như hữu ích cho anh em linh mục vì có thể mô phỏng lại những việc đạo đức này tại giáo xứ.


Các thánh lễ ban sáng với bốn ý chỉ cầu nguyện cho: cuộc tĩnh tâm, các Giám mục và Linh mục đã qua đời, ơn gọi và việc loan báo Tin mừng, sự hiệp nhất giữa các giáo hội Kitô và trong giáo phận, và các bài giảng do chính các Đức Cha chia sẻ trong thánh lễ, đã giúp các linh mục học hỏi được nhiều điều hay và dễ dàng đón nhận.


Tuần Tĩnh Tâm linh mục Giáo phận Nha Trang năm 2008 đã bắt đầu lúc 14g 30 ngày thứ Hai (14.1) và kết thúc sau cơm trưa ngày thứ Sáu (18.1). Các linh mục cảm thấy hạnh phúc tham dự những ngày tĩnh tâm năm nay và trở về giáo xứ, cộng đoàn đang phục vụ với quyết tâm “bằng mọi giá, đời linh mục chúng ta phải hạnh phúc” cho chính mình cũng như cho giáo dân như lời cầu chúc của Đức Cha giảng phòng khi kết thúc bài chia sẻ cuối cùng.


Kết thúc 4 ngày tĩnh tâm linh mục đoàn dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và xin cám ơn quý Đức Cha và mọi thành phần dân Chúa trong giáo phận đã góp lời cầu nguyện cũng như những hỗ trợ vật chất tạo nên kết quả tốt đẹp của Tuần Tĩnh tâm linh mục năm 2008.

Giáo phận Nha Trang

 

Mục lục

 

Khóa thường huấn cho các linh mục giáo phận Saigòn 2008

 

Buổi sáng ngày 22.01.2008, gần 200 linh mục Tổng Giáo phận Sài gòn dự buổi Thường huấn đầu tiên năm 2008 dưới sự chủ tọa của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn và Đức Cha Phụ tá Giuse Vũ Duy Thống tại Trung Tâm Mục vụ Giáo phận.

 

Đề tài được trình bày: Phương pháp rụng trứng Billings (Billings Ovulation Method, viết tắt là BOM).


Ban Giảng huấn gồm: chị Liên Việt kiều Úc, và hai nữ bác sĩ người Úc, vừa giảng bằng tiếng Anh (có thông ngôn), vừa chiếu hình diễn giải và minh họa. Sau khi giảng xong mới phát sách.


Ngoài buổi giảng cho Linh mục địa phận nói trên, còn mở hai khóa học: Khóa 1: từ ngày 23.01.2008 – 26.01.2008; Khóa 2: từ ngày 28.01.2008 – 31.01.2008

 

Học viên hai khóa này đặc biệt là nữ, trình độ Tú Tài để làm việc tông đồ trong lãnh vực Hôn nhân, Nữ Tu, Giảng viên Giáo lý, Linh mục quan tâm tới lãnh vực Hôn nhân.


Tuy dù nhiều người đã biết về điều hòa sinh sản theo thông điệp Humanae vitae và thông điệp Veritas slendor, nhưng nhờ buổi học này, người nghe mới biết rõ giảng chất nhờn không thay đổi (báo hiệu không thụ thai), và giảng chất nhờn thay đổi (thụ thai). Tuy nhiên, người nữ biết được, còn người nam thì chỉ biết lý thuyết suông. Hai khóa học này rất cần cho phái nữ nhất là những người đã lập gia đình mới có kết quả.


Một Linh mục còn trẻ, có bằng Cao học về Xã hội học của Đại học Văn khoa Sài gòn đã đi Úc thăm gia đình 2 năm phát biểu bằng tiếng Anh: Luật tự nhiên sẽ như thế nào nếu khoa học càng ngày càng tiến bộ (ý nói luật tự nhiên có còn hiệu lực khi khoa học tiến bộ). Giảng viên trả lời: việc này vượt khả năng của tôi. Thật thì thông điệp Veritas đã đề cập tới luật tự nhiên có tính cách vĩnh cửu vì gắn chặt với bản tính con người. Khoa học tiến bộ đến đâu là để phục vụ con người chứ không phải phá huỷ con người.

 

Hy vọng hai khóa học trên sẽ giúp người giáo dân trưởng thành hơn trong vấn đề kế hoạch hóa gia đình.

 

LM Fx. Nguyễn Hùng Oánh

Mục lục

 

ĐỨC HỒNG Y PHAOLÔ GIUSE PHẠM ĐÌNH TỤNG : MỘT NGƯỜI THẦY, MỘT NGƯỜI CHA

Trong cái giá lạnh của miền Bắc, ai cũng muốn cuộn mình trong chăn mơ màng ngủ, xem phim hoặc đọc truyện. Thế mà ngay từ tờ mờ sáng, chẳng phải chỉ các chức sắc Giáo Hội mà cả các giáo dân tầm thường, chẳng phải lớp thanh niên trai tráng mà là các ông bà có tuổi, chẳng phải từ một góc phố nào đó trong thủ đô Hà Nội mà tận những xóm làng xa xôi thuộc các miền quê Hà Tây, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định…, đã lục tục lên đường đi tới Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội. Điều gì mạnh đến nỗi đã lôi kéo được đông đảo tín hữu Công Giáo với đủ mọi tầng lớp rời  giường chiếu và bếp lửa êm ấm, rời công ăn việc làm và người thân rất quan trọng để đến đây ?

  Giản dị chỉ vì lòng ngưỡng mộ và biết ơn đối với vị cha già của tổng giáo phận : đức hồng y Phaolô-Giuse PHẠM ĐÌNH TỤNG, nhân kỉ niệm 90 ngày sinh, 60 năm linh mục, 45 năm giám mục, 15 năm hồng y, đang nghỉ hưu và dưỡng bệnh tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

 

Thật ra, nguyên những con số vừa kể cũng đáng làm cho nhiều người ngưỡng mộ và tò mò muốn biết về con người này. Bởi lẽ chẳng dễ dàng gì mà sống thọ đến 90 tuổi, nhất là khi phải sinh ra và lớn lên trong những thời kì nghèo nàn nhất của đất nước Việt Nam ? Càng không dễ dàng gì khi làm linh mục (1949-2008), giám mục (1963-2008), hồng y (1994-2008) – nghĩa là nắm giữ những chức vị cao nhất tại một giáo hội địa phương – trong một thời gian dài như thế và trong bối cảnh chính trị - tôn giáo – xã hội phức tạp như vào những thập niên ấy ?

 

Nhưng nếu tìm hiểu sâu xa hơn, người ta sẽ càng thêm ngưỡng mộ và tri ân con người ấy. Một con người vừa có thiên hướng vừa có thành tích đáng trân trọng trong hai lãnh vực rất được thiên hạ  kính nể, đó là làm thầy và làm cha. Chính vì thế, nội dung câu chuyện và đề tài trao đổi của mọi người đến gặp ngài có thể khác nhau, nhưng cung cách và thái độ của ai ai đối với ngài cũng là cung cách và thái độ của những học trò và những người con.

 

Quả thật, ngài đã làm thầy và làm cha cách chập chững ngay từ khi thực tập mục vụ tại các giáo xứ Khoan Vĩ – Lý Nhân (Hà Nam). Làm thầy và làm cha cách nhiệt tình khi phục vụ trẻ mồ côi tại cô nhi viện Têrêxa (Hàng Bột – Hà Nội), phục vụ người nông dân nghèo từ quê ra thành thị làm ăn tại khu nhà bác ái xã hội Bạch Mai (Hà Nội), phục vụ giáo dân trong đời sống đức tin và bí tích tại giáo xứ Hàm Long (Hà Nội). Làm thầy và làm cha cách sâu sắc khi trở thành giám đốc tiểu chủng viện thánh Gioan (Hà Nội) – chịu trách nhiệm về đời sống nhân bản và đức tin của gần 200 chủng sinh từ các giáo phận miền Bắc. Làm thầy và làm cha cách sáng tạo khi được cắt cử trông coi giáo phận Bắc Ninh – một giáo phận vừa nghèo về mọi mặt vừa rộng về địa lí. Thông qua nhúm linh mục  giàu lòng bác ái như ngài, thông qua hàng ngũ giáo dân tông đồ đông đảo được huấn luyện cách căn bản, ngài đã điều hành được giáo phận ; trong số đó phải kể đến việc thành lập lớp nữ giáo dân độc thân phục vụ khắp nơi trong nhiều vai trò khác nhau, ban đầu gọi là Hội Tận Hiến, về sau trở thành Tu Hội Hiệp Nhất. Từ năm 1994, ngài chỉ chuyển địa bàn hoạt động, chứ không chuyển nghề tay phải của mình là làm thầy và làm cha tại tổng giáo phận Hà Nội. Ngài tiếp tục công tác giáo dục các chủng sinh của đại chủng viện và đào tạo giáo dân tông đồ. Năm 1996, vừa khôi phục vừa mở rộng Hội Thầy Giảng cũ của tổng giáo phận, ngài thành lập Tu Đoàn Tông Đồ Truyền Tin không chỉ cho nam giới (không chỉ làm linh mục mà còn làm linh mục giàu tinh thần truyền giáo, không chỉ làm linh mục mà còn làm giáo dân tận hiến trong mọi ngành nghề) và cả cho nữ giới. Và hiện nay, ngài vẫn tiếp tục nghề làm thầy và làm cha cách âm thầm và khiêm tốn trong những hi sinh và nguyện cầu cho những học trò và con cái của mình, đã trưởng thành và có thể không còn cần dạy dỗ nữa, nhưng vẫn cần ơn Chúa.

 

Có một điều mà người thầy và người cha này không bao giờ để mất hẳn hay để nhòa đi trong công tác giáo dục và đào tạo của mình, đó là chú ý đến một lớp nhà đào tạo gồm các linh mục không chỉ giỏi nghiệp vụ mà quan trọng hơn, gần gũi với giáo dân, đồng thời chú ý đến hàng ngũ giáo dân được đào tạo để dấn thân trong trần thế. Nên nhớ đây là những trục tư tưởng chính trong công đồng Vatican II (1963-1965 – đặc biệt qua sắc lệnh “Chức vụ và đời sống linh mục”, hai hiến chế về Giáo Hội và Giáo Hội trong thế giới ngày nay). Tuy không tham dự công đồng – thậm chí có thể không nắm bắt tình hình thời sự của công đồng tại Vatican trong những năm Việt Nam đóng cửa – nhưng dường như ngài đã có những trực giác ấy của công đồng. Người ta có thể giải thích đó là do hoàn cảnh thực tế của các giáo phận bắt buộc ngài suy nghĩ thế, nhưng tại sao chúng ta không được phép nghĩ đó là kết quả thu lượm được từ những suy nghĩ và cầu nguyện sâu xa của ngài về Đức Giê-su mục tử,  hay từ tấm lòng nhân ái và bao dung của một người cha và một người thầy ? Đó có lẽ cũng là điểm lôi kéo nhiều linh mục, tu sĩ và giáo dân từ miền Nam tìm gặp ngài sau ngày đất nước thống nhất : tại Bắc Ninh, người ta không chỉ nghe mà còn chứng kiến thấy sự gần gũi của ngài với giáo dân, cũng như sự trân trọng và tin tưởng ngài dành cho các tông đồ giáo dân – nhất là những giáo dân tận hiến trọn đời cho Chúa và cho Giáo Hội ; hay tại Hà Nội, người ta cũng tiếp tục được nghe ngài chia sẻ ước nguyện và thao thức của mình muốn thấy một hàng ngũ linh mục đạo đức ở chỗ có trái tim mục tử như của Đức Giê-su, và một lớp giáo dân say sưa sống đạo và truyền đạo  ngay giữa lòng đời. Đến cả ngày hôm nay, khi tuổi già sức yếu, khi lực đã bất tòng tâm, ngài vẫn không để tắt ngọn lửa khao khát ấy. Thỉnh thoảng gặp lại một vài người đã từng chia sẻ với ngài trước đây về hình ảnh một Giáo Hội nhập cuộc sâu xa và âm thầm trong lòng người và lòng đời như thế, mắt ngài vẫn bất chợt sáng lên, miệng ngài vẫn bất ngờ mỉm cười…, dù sau đó mắt cúi xuống, miệng khép lại như thầm thỉ nguyện cầu và phó dâng cho Chúa. Phải, đến lúc này ngài đã thấm thía rằng chỉ có Chúa – bậc Thầy và người Cha trên hết – mới có thể biến mọi giấc mơ thành hiện thực, đổi mọi ý nguyện thành cuộc sống và chuyển mọi mầu nhiệm thành ngôn ngữ ! Bổn phận chúng ta có thể chỉ là nuôi dưỡng và truyền lại cho người khác giấc mơ ấy, ý nguyện ấy và mầu nhiệm ấy, từng đó cũng khá lắm rồi !

 

Đặng Xuân Thành

 

Giáo phận Hà Nội

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

 

 

PHƯƠNG PHÁP ‘ĐÒN ROI’ CỦA CHÚA GIÊSU TRONG TIN MỪNG


Sự kiện: Chúa Giêsu thanh tẩy Đền Thờ.


“Gần đến lễ Vượt Qua của người Do thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. Người thấy trong Đền thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả chiên cũng như bò ra khỏi đền thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán” (Ga 2,13-16).


Dựa theo tường thuật và cách bố cục của Tin Mừng theo thánh Gioan, hai anh em Bernard và Louis nhà Hurault ghi nhận rằng: “Chúa Giêsu vẫn chưa bắt đầu rao giảng. Người đi lên Đền thờ Giêrusalem là trái tim của đất nước Do thái (Mc 11,17).


Ghi nhận trên gợi nhớ sự kiện lúc Chúa Giêsu mười hai tuổi, thời điểm một thiếu niên phải giữ luật đạo, trong đó có luật hành hương lên Giêrusalem vào các dịp lễ (x. Lc 2,41-49). “Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay biết” (c.43). Đáp lời mẹ, Chúa Giêsu đã phát biểu một câu mà ông bà không hiểu nổi: “Tại sao tìm con? Lại còn không biết là con phải ở nơi nhà Cha con sao? (c. 49).


Tường thuật sự kiện trên, các tác giả Tin Mừng nhất lãm đều đặt vào cuối sứ vụ công khai của Chúa Giêsu (x.Mt 12,12-17 Mc 11,15-19 Lc 19,45-46). Trước khi ghi lại sự kiện, các tác giả đều tường trình việc Chúa Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem với tư cách là Đấng Cứu Thế (Mt 21,1-11 Mc 11,1-11 Lc 19,28-38 x.Ga 12,12-16).


Đẹp biết bao, dễ mến làm sao, Đấng Cứu Thế mọi người đợi trông: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con một con vật chở đồ” (Mt 21,5 x.Mc 11,7 Lc 19,35 Ga 12,15), và đúng như lời đã được tiên báo trước (x.Dcr 9,9).


Thật không hiểu nổi, một con người mới xuất hiện rất hiền lành, đã từng đối xử nhân hậu khoan dung với đủ loại người, lại còn kêu gọi “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,29), nay con người ấy bỗng đùng nổi giận, lại còn dùng đến biện pháp roi vọt! Tại sao vậy?


Chúa Giêsu đã hành động vì lòng nhiệt thành, như các tông đồ khi chứng kiến sự việc nhận định: “Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc Chúa mà tôi phải thiệt thân” (Ga 3,17 x.Tv 69,10).


Theo các tác giả Tin Mừng nhất lãm, chính Chúa Giêsu đã minh định: “Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi lại biến thành sào huyệt của bọn cướp” (Mt 21,13 x.Mc 11,17 Lc 19,46).


Trước nhiệt tình được diễn tả bằng hành động mạnh mẽ quyết liệt của Chúa Giêsu, “người Do thái hỏi Đức Giêsu: Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? Đức Giêsu đáp: Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại” (Ga 2,18-19). Tông đồ thánh sử Gioan đã giải thích ngay: “Đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người” (c.21).

Vậy Đền thờ mà Chúa Giêsu đã nhiệt tình thanh tẩy, phải hiểu thế nào? Đối với người Do thái, đền thờ Giêrusalem là trái tim của đất nước Do thái vì là Đền thờ duy nhất của Thiên Chúa độc nhất (Mc 11,15), lại còn “là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc” (c.17).


Vua Đavít đã có ý định xây dựng một Đền thờ (2Sm 7,2) sau khi vua được yên cửa yên nhà. Dưới mắt của chính trị gia, ý định của vua Đavít cho thấy ông là nhà chính trị khôn khéo đã biết dùng niềm tin và cả Đền thờ duy nhất là nơi thể hiện niềm tin, để hợp nhất con dân mới được kết hợp lại.


Còn Thiên Chúa, Người chấp nhận thành tâm thiện chí của nhà vua, nhưng lại nói rõ: “Chính Ta... lập cho ngươi một nhà...” Trước mặt Ta, nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ muôn đời bền vững, và ngai vàng của ngươi sẽ được củng cố đến muôn đời” (2Sm 7,8-16).


Có được tính vững bền này, là vì Thiên Chúa đã hứa với miêu duệ của Đavít sau khi ông nằm xuống: “Đối với nó, Ta sẽ là Cha, đối với Ta, nó sẽ là con, khi phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời nó” (c.16-17).

Thiên Chúa có bao giờ lên tiếng hỏi: “sao các người không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?” (c.7). Nhưng, “chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi” (c.13).


Đền thờ gây nên những tranh chấp giữa những người nhiều tham vọng, chẳng hạn thời Esdras và Nêhêmia (Edr 4,1) thời Macabê (2Mcb 1,13 4,7) và thời Chúa Giêsu vì những dịch vụ buôn bán để trục lợi ngay tại Đền thờ. Làm sao Đền thờ còn là nơi thờ phượng và tôn kính Thiên Chúa cách chân thực và thành kính được! Thật khó mà có thể tin nổi là có Thiên Chúa hiện diện ở đó như nguồn mọi phúc lành cho dân Chúa.


Phải thanh tẩy thôi, và Chúa Giêsu đã dùng đến roi vọt. Hành động lạ thường làm nổi bật sự thánh thiện của Thiên Chúa mà con người phải tôn kính. Rồi Giêrusalem và Đền thờ cũng sẽ đến ngày bị phá hủy (x.Mt 23,37-39; Lc 13,34-35). “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24).


Đối diện với Thiên Chúa, cũng phải biết đối diện với những bất xứng cần được thanh tẩy của chúng ta. Ôn lại những biểu tỏ nhiệt tình, dứt khoát, quyết liệt Chúa Giêsu đã từng có, trước những gì không thể dung hợp được, chúng ta nhớ lời thánh Phaolô dặn: “Anh em là Đền thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em. Vậy ai phá hủy Đền thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3, 16-17).


Cơn giận của Chúa Giêsu: “Làm sao Đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống” (2Cr 6,15). Nhằm thanh tẩy Đền thờ, Chúa Giêsu đã biểu lộ cảm xúc có kiểm soát, xuất phát từ nhiệt tình không lay chuyển chống lại sự dữ, cũng như quyết định triệt để bứng rễ nó đi.


Những nguyên cớ khiến Chúa Giêsu giận dữ: Đó là tính vị luật nhỏ nhen trong việc giữ đạo: “Tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?” (Mt 15,3), “các kinh sư và các người Pharisêu ngồi trên tòa ông Môisen mà giảng dạy... họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy...” (Mt 23,2-4), sự ti tiện đã làm cho “Đức Giêsu giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá” (Mc 3,5).


Chúa Giêsu bực mình vì những toan tính ngăn cản trẻ em, những người bé mọn đến với Người (x.Mc 10,4). Đáng bực mình hơn nữa đối với những “ai làm cớ cho những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thà treo cối đá vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn” (Mt 18,6-7 // Mc 9,42 // Lc 17,1-2). Cơn giận của Chúa Giêsu được phát biểu thành lời


a) chống lại tên qủy ám vào đứa trẻ khiến nó bị kinh phong, “Đức Giêsu quát mắng tên qủy, qủy liền xuất, và đứa trẻ được khỏi ngay từ đó” (Mt 17,18// Mc 9,25// Lc 9,42) “Người ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh” (Mc 1,25-26 // Lc 4,35).


b) chống lại những sai trái của các môn đệ, Chúa Giêsu đã không ngại lên tiếng quở trách, chẳng hạn đối với Giacôbê và Gioan khi họ muốn thiêu hủy một làng Samaria (Lc 9,55-56), hay với Phêrô, Ngài nói: “Satan, lui lại đàng sau Thầy; anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người” (Mt 16,23 //Mc 8,33).


c) chống lại những người Pharisêu các kinh sư, Chúa Giêsu nói thẳng họ là những kẻ giả hình: “các ngươi khóa cửa Nước Trời, không cho thiên hạ vào! các ngươi đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các ngươi cũng không để họ vào” (Mt 23,13), chỉ thờ Chúa “bằng môi bằng miệng” (Mt 15,7-9// Mc 7,6-8), coi trọng vàng bạc của cải hơn Đền thờ (Mt 23,15-16), “bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công lý, lòng nhân và thành tín” (c.23), “rửa sạch bên ngoài chén dĩa, nhưng bên trong thì đầy những chuyện cướp bóc và ăn chơi vô độ” (c.24 Lc 11,42-44 13,15).


“Xấu như các ngươi, thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12,34-35). Họ tự hào là con cháu Abraham, nhưng vì giả hình, trước mắt Chúa Giêsu, “cha các ông là ma qủy... ngay từ đầu nó đã là tên sát nhân, nó đã không đứng về phía sự thật, vì sự thật không có ở trong nó” (Ga 8,44).


d) chống lại phường bất tín, Chúa Giêsu than thở: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà, Tôi còn phải ở với các ngươi cho đến bao giờ...” (Mt 17,17// Mc 9,19 // Lc 9,41), chúng đòi dấu lạ (Mt 12,39-45 // Lc 11,29-32). Nhưng “ai hổ thẹn vì tôi và những lời Tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần trong vinh quang của Cha Người” (Mc 8,38). Hơn nữa, vì cứng lòng bất tín mà làm điều ác “thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu” (Lc 11,50-51).


e) chống lại các tiên tri giả, Chúa Giêsu cảnh giác: “Anh em hãy coi chừng các tiên tri giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em, nhưng bên trong họ là sói dữ tham mồi” (Mt 7,15).


f) chống lại kẻ giàu có, Chúa Giêsu nói về các mối họa mà của cải có thể gây nên cho họ vì đã được an ủi, no nê, vui cười, ca tụng (Lc 6,24-26).


g) chống lại các thành không chịu hối cải như Bethsaiđa, Capharnaum, trước các phép lạ đã được chứng kiến, Chúa Giêsu cho biết các Corazin, Tia và Siđôn, Sôđôma, sẽ được xét xử khoan dung hơn (Mt 11,20-24 // Lc 10,13-15)


Cơn giận của Chúa Giêsu phản ánh chính cơn giận của Thiên Chúa: “Ai tin vào Người Con thì được sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3,36).


Làm điều ác, như giết người, ngoại tình...” thì đáng bị đưa ra tòa” (Mt 5,21-22.29), đáng bị “nhà vua nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng” (Mt 22,7), đáng bị “trói chân tay nó lại, quăng ra chỗ bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (c.13).


Được trao cho những yến bạc mà không sinh lợi, thì “tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25,30). Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời” (c. 46). Giêrusalem sẽ bị vây hãm “vì sẽ có cơn khốn khổ cùng cực trên đất này, và cơn thịnh nộ sẽ giáng xuống dân này” (Lc 21,23).


Cơn giận của Đức Kitô vinh hiển chống lại thế gian bất tín “họ bảo núi và đá: đổ xuống đè ta đi và che dấu ta cho khuất mắt Đấng ngự trên ngai, cho khỏi cơn thịnh nộ của Con Chiên” (Kh 6,16), chống lại giáo hội cứng cổ ương ngạnh, Chúa Giêsu kêu gọi “hãy hối cải, bằng không Ta đến với ngươi ngay tức khắc và sẽ dùng lưỡi gươm từ miệng Ta mà giao chiến với chúng (Kh 2,16 x.2,5.22-23 3,3.16).


Lòng thương xót của Chúa Giêsu


Nếu Chúa Giêsu đã tỏ thái độ dứt khoát quyết liệt đối với sự dữ, tội lỗi thì Ngài lại tỏ ra thương cảm và nhân hậu đối với tội nhân. Những lời Ngài nói, những việc Ngài làm cho thấy bản tính khoan dung và nhân hậu của Thiên Chúa.


Thiên Chúa là Đấng nhân hậu, giàu lòng thương xót khiến thánh Phaolô thốt lên: “Chúc tụng Thiên Chúa là thân phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Người là cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn sàng nâng đỡ ủi an. Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử thách...” (2Cr 1,3-4).


Vào cuối thời quân chủ, dân ngày càng thêm bất trung làm cho nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế. “Thiên Chúa của tổ tiên họ vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người hằng thương xót dân và thánh điện của Người” (2Sbn 36,15).


Tác giả thánh vịnh kêu cầu: “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Tv 86,15). Tiên tri Hôsê nói lên nỗi lòng của Thiên Chúa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi, Ta sẽ không hành động trong cơn nóng giận... vì Ta là Thiên Chúa, chứ không phải người phàm. Ở giữa ngươi Ta là Đấng Thánh, và Ta sẽ không đến trong cơn thịnh nộ” (Hs 11,8-9). Zacaria trong lời chúc tụng cũng đã lớn tiếng: “Thiên Chúa Ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng thăm ta” (Lc 1,78).


Chúa Giêsu đã diễn tả Thiên Chúa như Người Cha nhân hậu đối với đứa con hoang đàng hối cải, “anh ta còn ở đằng xa, thì người Cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để” (Lc 15,20).


Lòng thương cảm của Chúa Giêsu khiến cho chúng ta tin tưởng. Ngài là Thượng Tế, “vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).


Chúa Giêsu tỏ lòng thương xót khi nâng đỡ kẻ yếu đuối: “cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng” (Mt 12,20 Is 42,3), đón tiếp trẻ em còn bé bỏng: “cứ để trẻ em đến với Thầy” (Mt 19,14 //Lc 18,16). Người chữa lành các bệnh nhân (Mt 14,14 // Lc 9, 11), cho người mù được thấy (Mt 20,34 //Mc 10,52 // Lc 18,42-43), người phong cùi được lành sạch (Mc 1,41 //Mt 8,3 // Lc 5,13).


Lòng thương xót của Chúa Giêsu khiến “tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng” (Lc 13,12). Người an ủi kẻ phiền muộn, như khi gặp bà góa tại Naim đang đưa đám tang người con trai duy nhất “Chúa chạnh lòng thương và nói: bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13), khi cứu sống con gái ông Jairô (Lc 8, 50 // Mt 5,36), khi phục sinh ông Lazarô (Ga 11,33-35), khi ngỏ lời với Đức Maria và thánh Gioan đang đứng dưới chân thánh giá (Ga 19,25-27), khi mở lời, sau khi sống lại, với Maria Magđala (Ga 20,14-16).


Chúa Giêsu thương cảm người đói và cho họ ăn (Mt 15,32 //Mc 8,23 và Mt 14,16 //Mc 6,37 // Lc 9,13 Ga 6,5-6). Người tìm kiếm và tha thứ các tội nhân lạc mất, “thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,3-6 // Mc 6,34 Is 40,11).


Như mục tử tìm chiên lạc, “cha anh em, Đấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất” (Mt 18,14). Chúa Giêsu thương tiếc thành Giêrusalem “như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh” (Mt 23,37-38 // Lc 13,34-35).

Tại nhà ông Simon, Chúa Giêsu mở lời ban ơn tha thứ cho người phụ nữ: “tội của chị đã được tha rồi” (Lc 8,48). Đối với người phụ nữ bị bắt qủa tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu phán: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi,và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).


Người mang lại sự nghỉ ngơi cho những ai mang ách nặng nề (Mt 11,28-30), cho người bị bỏ rơi, như người bị phong cùi (Mc 1,40-41 // Mt 8,1-3 //Lc 5,12-13). Trước tấm lòng thương xót của Chúa Giêsu, “các người thu thuế và người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng” (Lc 15, 1-3).


Kết:

Thật đáng sợ, những lời sỉ vả đe loi Chúa Giêsu đã dùng và cả những ngọn roi Người vung lên tại Đền thờ ngày nào. Đó là những lời nói và việc làm nói lên tính bất tương nhượng, và mập mờ trộn lộn giữa lành và dữ, thánh thiện và tội lỗi.


Cũng thật cảm kích trước lòng thương cảm của một Thiên Chúa thánh thiện và khoan dung đối với tộ nhân, chỉ muốn nó ăn năn hối cải và được cứu độ. Nhưng không thể mãi để ngoài tai lời dạy dỗ và cả những hoàn cảnh có tính mời gọi, cảnh báo của Chúa. Vì: “Lòng kính sợ Đức Chúa là trường dạy khôn ngoan, Khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự” (Cn 15,33).


Lm. Phaolô Phạm Quốc Túy

(Bản Tin HIỆP THÔNG số 44, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Mục lục

 

Tiếng Thiên Chúa gọi

Người Công giáo xưa nay ai cũng đều đã nhận lãnh làn nước Bí tích rửa tội. Nhưng không mấy ai nhớ gì về Bí tích rửa tội mình đã nhận lãnh.

Ngày xưa, Chúa Giêsu khi đã lớn thành người trưởng thành, cùng đứng xếp hàng đến xin Thánh Gioan làm phép Rửa tội ở bờ sống Giodan.

Ngày nay cha mẹ em bé bồng ẳm em đến nhà thờ xin cho em được chịu Bí tích này. Cha mẹ em bé hứa hướng dẫn giáo dục đào tạo em theo đức tin Kitô giáo.

Ngày xưa Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giodan. Người chịu phép rửua phải dìm toàn thân mình xuống dòng nước trong sông. Cử chỉ này nói lên ý nghĩa nếp sống cũ được tẩy rửa giũ cho sạch, và một nếp sống mới khởi đầu.

Ngày nay ba lần làn nước rửa tội được gội tưới trên đỉnh đầu em bé, đang khi Linh mục hay thầy Phó Tế rửa tội đọc lời Chúa Giêsu truyền dạy: Cha rửa con, nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần. Amen

Ngay sau Chúa Giêsu được rửa , tiếng Thiên Chúa phát ra từ trời cao: Đây là con Ta yêu qúi!

Tiếng Thiên Chúa củng cố tâm hồn Chúa Giêsu. Thần Linh Thiên Chúa như làn nước tươi mát mang đến niềm vui phấn chấn cho Chúa Giêsu.

Khi chúng ta nhận lãnh nước Bí tích rửa tội, Thiên Chúa cũng nói với ta. Nhưng không thành âm thanh tiếng nói như với Chúa Giêsu.

Linh mục rửa tội thay mặt Giáo Hội đọc lời của Chúa truyền: Anh em hãy ddi khắp thế gian rao giảng Nước Thiên Chúa. Làm phép rửa cho mọi người: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen .

Linh mục rửa tội nói trực tiếp với em bé là con của Chúa bằng tên gọi của em, đang khi ghi dấu Thánh Gía Chúa Kitô trên trán em.

Và cha mẹ em bé cũng nói với em: Con là hoa qủa, ân đức sương Trời ban cho gia đình. Con là của châu báu trong gia đìnhchúng ta!

Bí tích Rửa tội là một trong bảy Bí tích Chúa Giêsu và Gíáo Hội đã lập ra. Bí tích Rửa tội là bí tích đầu tiên căn bản cho đời sống đức tin người Công giáo. Qua làn nước Rửa tội, đức tin vào Thiên Chúa được khắc ghi trong tâm hồn người lãnh nhận. Bí tích này khác gì chiếc chìa khóa mở cửa đi vào lãnh nhận kho tàng ân đức của Thiên Chúa qua các Bí tích khác trong Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian.

Qua làn nước Bí tích rửa tội, tội nguyên tổ và tội cá nhân được tẩy rửa sạch. Người chịu bí tích rửa tội đựợc tái sinh trong Chúa Thánh Thần, và trở nên thành phần trong Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian. Nhưng những hệ lụy hậu qủa của tội nguyện tổ: bệnh tật, đau khổ, dục vọng xu hướng về tội, về sự xấu trước sau vẫn còn ăn rễ sâu trong con người.

Những hệ lụy này như những thử thách thúc đẩy con người cố gắng can đảm giữ vững đức tin vào ân đức, vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, Đấng là nguồn đời sống và ơn cứu độ.

Đời sống mới là một cuộc ddổi mới tâm hồn do Chúa Thánh Thần tác động trong tâm hồn. Và qua đời sống mới đó, được cùng liên kết với mọi người trong cùng một đức tin vào Thiên Chúa là Cha.

Lm. Nguyễn Ngọc Long

Mục lục

 

THỜI GIAN

Người Mông Cổ có kể lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một hôm, con Phượng hoàng hỏi con Quạ:

Này anh Quạ, tại sao anh sống trên cõi đời này đến 300 năm, còn chúng tôi chỉ có 33 năm thôi. Con Quạ hỏi ngược lại:

- Thế sao cô bạn chỉ uống máu tươi, còn chúng tôi phải sống bằng xác chết?

Con Phượng hoàng nghĩ ngợi hay là chúng ta hãy thử ăn xác chết như loài quạ cho biết. Thế là cả hai cùng bay lượn để tìm mồi. Thấy một con ngựa chết thối, cả hai liền lao mình xuống. Con quạ như trúng số, nó ăn lấy ăn để một cách ngon lành. Con Phượng hoàng cũng làm theo, nó mổ một cái rồi dừng lại, nó lại thử một lần nữa nhưng lắc đầu bảo quạ:

- Này anh quạ, tôi không thể tiếp tục được, thà một lần được uống máu tươi còn hơn phải 300 năm ăn đồ hôi thối.

-------

Nếu câu chuyện ngụ ngôn nào cũng hàm chứa một bài học thì bài học của câu chuyện trên đây hẳn phải là một khoảnh khắc được sống một cách sung mãn có giá trị, hơn là một cuộc sống kéo lê trong bùn nhơ hôi thối.

Có những cuộc sống lê thê trong bùn nhơ hôi thối trụy lạc của tham nhũng, của ích kỷ, của hận thù và cũng có những cuộc sống ngắn ngủi nhưng sung mãn.

Một người Do Thái sống tại Alexandria bên Ai cập khoảng 30 năm trước Công nguyên đã ghi lại trong cuốn sách có tựa đề "Khôn ngoan" như sau: Người công chính có sống ngắn ngủi cũng sẽ tìm được an nghỉ. Tuổi thọ đáng kính đâu phải là tại nhiều năm hay đo bằng số tuổi, nhưng tuổi đời chính là sự khôn ngoan và cuộc sống thọ chính là một cuộc sống không vết nhơ.

Vì đẹp lòng Thiên Chúa người công chính được Người yêu mến, và họ sống giữa những kẻ tội lỗi nên được cất đi, người ấy được cất đi kẻo sự dữ làm phôi pha trí khôn hay gian tà quyến rũ tâm hồn bởi vì xấu tốt làm mờ sự lành và đam mê quay cuồng làm tiêu tan tinh thần chất phát, chẳng mấy chốc mà người công chính đã trọn lành dù chỉ trong một thời gian ngắn..

Một thi sĩ Ba tư sống vào thế kỷ thứ 13 trong tập thơ có tựa đề: "Bài Ca Những Con Chim" cũng đã tưởng tượng ra một con chim Chào Mào bay vút lên trời cao, một số chim khác cũng bay theo và cuối cùng bị sức nóng của mặt trời thiêu đốt, thế nhưng có tiếng vọng lại của bầy chim: "Thà bị đốt cháy vì đi tìm kiếm Chúa hơn là miệt mài trong bùn nhơ hôi thối."

Những ngày cuối năm và đầu năm không thể không mời gọi chúng ta suy nghĩ về thời gian. Ai mà không mong ước được sống lâu. Ngày đầu năm được gặp nhau, lời cầu chúc đầu tiên trên cửa miệng mọi người là gì nếu không phải là được an khang trường thọ.

Người ta thường ca tụng muôn năm những người có địa vị trong xã hội, nhưng sự thật đang diễn ra trước mắt chúng ta từng giây từng phút là: mọi sự đều đã qua đi. Có sống trăm tuổi bạc đầu sau rồi cuối cùng cũng phải qua đi. Thiên Chúa không để cho con người sống mãi trong cuộc sống tại thế này là bởi vì còn có một cuộc sống đáng quí hơn, đáng sống hơn. Đó là cuộc sống vĩnh cửu, có những giá trị cao cả gấp bội phần sự sống, sức khỏe và mọi thứ của cải trong trần gian này, do đó giá trị của cuộc sống hiện tại không phải là tuổi đời chồng chất, không phải là danh vọng hão huyền rồi cũng tiêu tan theo mây gió mà chính là sự sống vĩnh cửu. Sống chính là đi tìm sự sống vĩnh cửu ấy, sống chính là dệt nên cuộc sống vĩnh cửu ấy qua từng khoảnh khắc của cuộc sống hiện tại. Sống như thế thực sự là sống sung mãn, sống muôn năm.

Lạy Chúa, trong những ngày chuẩn bị năm mới này, xin cho chúng con biết quý trọng từng phút từnggiây của cuộc sống hiện tại và giúp chúng con biết sử dụng thời gian để tìm kiếm những gì vĩnh cửu. Xin cho chúng con luôn ý thức rằng mỗi một phút giây của cuộc sống chúng con là một ân huệ của Chúa để chúng con biết đón nhận và sống sung mãn từng phút giây ấy.

Thanh Thanh

Mục lục

 

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN PHAN THIẾT


BÀI 1: ĐỨC GIÊSU, NHÀ GIẢNG THUYẾT


Linh mục với sứ mạng loan báo Lời Chúa


Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, trong cuốn “Sen nở trời phương ngoại” nxb Lá Bối năm 2001 tại San Jose, khi nói về con người của Đức Phật, đã diễn giải như sau: “do sự thương tiếc quý trọng, yêu mến mà người ta đã đem những phép tắc thần thông phủ trùm lên con người của Bụt, và từ một con người. Bụt biến thành một siêu nhân, một Superman. Khi vòng hào quang phủ nhiều quá lên người, thì Bụt mất đi cái tính cách người của Bụt, cho nên giữa Bụt và chúng ta có một sự xa cách…” sau khi đã phân tích chi tiết những gì người ta thêm thắt vào cuộc đời của Đức Phật, Tác giả viết: “Trong Kitô giáo ta cũng thấy những hiện tượng tương tự. Khi Đức Kitô còn sống, có lẽ người ta đã không quý trọng Ngài bằng lúc Ngài đã qua đời. Lúc đó mười mấy đệ tử của Ngài và những người đã được gần gũi Chúa mới giật mình. Bấy giờ họ mới nhận thức được rằng những giây phút mình được gần Chúa, được ngồi ăn cơm với Chúa là những giây phút rất quý báu…. Cũng trong tâm trạng thương tiếc và kính phục đó, những đệ tử đầu tiên của Chúa đã khoác lên người của Chúa những vòng hào quang rất lớn…” (tr. 27 -29).


Những nhận định của một thiền sư Phật giáo là gợi ý cho chúng ta suy gẫm về hình ảnh Đức Giêsu như một nhà giảng thuyết. Quả thực, có những lúc chúng ta quên rằng Đức Giêsu đã thi hành sứ vụ giáo huấn của mình một cách rất bình dân, gần gũi với các thính giả. Những ngôn từ trong tiếng Việt có lẽ phần nào làm cho Chúa xa chúng ta: Chúa Giêsu; Đức Giêsu Phán; Người truyền cho ma quỷ… những ngôn từ được dùng hiện nay cũng đã được thay đổi. Tại Âu Châu, chữ “Sermon” hầu như không được dùng, mà chúng ta chỉ thấy chữ “homélie” hay “prédication”. Chúng ta cùng chiêm ngưỡng chân dung một nhà giảng thuyết mà Tân ước muốn giới thiệu:


-Nhà giảng thuyết bình dân: Đức Giêsu không dùng lối nói văn hoa bóng bẩy, nhưng ưa dùng những lối nói bình dân, gợi hình. Người áp dụng những câu ngạn ngữ của người đương thời: Thày lang ơi hãy chữa mình đi; con lạc đà chui qua lỗ kim; áo cũ vải mới, rượu cũ bình mới; người mù mà dắt người mù; Ngôn sứ không được trọng vọng tại quê hương. Đức Giêsu luôn gần gũi với mọi người: Người đến nhà bà Martha và Maria; Người ngồi bắt chuyện với người phụ nữ Samaria; Người tranh luận với Ông Ni-cô-đê-mô. Các Tin Mừng cho thấy một nhân vật lỗi lạc nhưng rất bình dân


-Nhà giảng thuyết có uy quyền: nếu Đức Giêsu không ưa lối nói văn hoa bóng bẩy trong giảng thuyết, thì lời giảng của Người lại rất có uy quyền. Mọi người nghe đều cảm phục và như thấy có sức mạnh thần kỳ qua lời nói của Người. Người truyền lệnh cho ma quỷ, cho bệnh tật, cho bão tố. (Lưu ý trong truyền thống Thánh Kinh, bệnh tật hay bão tố được hiểu như Sự Dữ, như một thứ thần minh). Kết quả là bão tố, bệnh tật phải vâng lời Người.


-Lời giảng thuyết đều dẫn đến việc tuyên xưng đức tin của các thính giả. Các Tin Mừng, nhất là nơi Gioan, đều nhấn mạnh đến hiệu quả của những lời Đức Giêsu giảng dạy. TM Gioan ghi lại cho chúng ta thấy một tiến trình: lời giảng – dấu lạ – lời tuyên xưng đức tin. ( trong Ga. có 7 dấu lạ, không kể dấu lạ thứ 8 sau ngày Phục Sinh, thường được coi là phụ thêm sau này)


Ngày thụ phong Linh mục, chúng ta đã được nghe thẩm vấn: “con có muốn tỏ ra xứng đáng và khôn ngoan chu toàn nhiệm vụ Lời Chúa trong việc rao giảng Phúc âm và trình bày đức tin công giáo không?” (Lễ nghi truyền chức Linh mục). Rao giảng Lời Chúa là một trong 3 sứ mạng chính yếu của Linh mục.


Nhìn lại lịch sử Giáo Hội, vào thế kỷ 16, những người theo trào lưu Cải cách Tin Lành muốn phủ nhận tính chất hy tế của Thánh lễ và phủ nhận chức linh mục hữu hình và công khai. Đặc biệt là Luther chỉ coi chức Linh mục là thừa tác vụ rao giảng Lời Chúa (ministère de la Parole). Trong bối cảnh đó, công đồng Trentô đã định nghĩa Linh mục như “người cử hành Thánh Thể và tha tội”. Tuy vậy, Công đồng cũng nhắc các Giám mục. Linh mục quản xứ rằng nhiệm vụ chính yếu của họ là rao giảng Lời Chúa.


Nếu Công đồng Trentô nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Linh mục và các Bí tích, thì Vatican II lại suy tư về chức Linh mục trong một không gian rộng lớn hơn, tức là trong mầu nhiệm Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội trong ba chức năng: rao giảng, thánh hóa và quản trị. Như vậy, cùng một lúc, Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa, thừa tác viên các Bí Tích và là người lãnh đạo cộng đoàn. Đức Gioan Phaolô II, trong Tông huấn hậu Thượng HĐGM “Pastores dabo vobis” đã nói đến chức năng đầu tiên của Linh mục là rao giảng Tin Mừng: “Trước hết Linh mục là thừa tác viên Lời Chúa. Linh mục được hiến thánh và sai đi để loan báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người, mời gọi mọi người vâng phục đức tin và hướng dẫn các tín hữu để mỗi ngày họ một hiểu biết và thông hiệp sâu xa hơn vào mầu nhiệm của Thiên Chúa, đã được Đức Kitô mạc khải và truyền đạt cho chúng ta” (số 26).


-Linh mục là thừa tác viên loan báo Lời Chúa chứ không phải loan báo lời của cá nhân mình. Linh mục loan báo Lời Chúa nhân danh Đức Kitô (in persona Christi) và nhân danh Giáo Hội (in persona Ecclesiae). Có nhiều khi chúng ta bị cám dỗ lấy tòa giảng làm nơi bày tỏ ý kiến của mình. Thậm chí đây đó có trường hợp giảng đài là nơi phân phát Lời Chúa đã trở thành vũ khí để cha xứ lăng mạ hay trả thù giáo dân. Cũng có nơi giảng đài là nơi “bới móc” những vụ việc tiêu cực xã hội. Giáo dân đến với Thánh lễ để được nghe Lời Chúa. họ muốn được nuôi dưỡng bằng Lời hằng sống, Lời hy vọng, nhưng nhiều người đã thất vọng. Hãy nghe Tông huấn “Pastores dabo vobis” nhắc nhở: “Linh mục phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy rằng những lời lẽ trong thừa tác vụ của mình không phải là “của mình” nhưng là của Đấng đã sai mình. Linh mục không phải làm chủ Lời Chúa; Linh mục là người phục vụ Lời. Không phải Linh mục là người duy nhát chiếm hữu Lời Chúa: Linh mục là người mắc nợ Lời Chúa đối với Dân Thiên Chúa” (số 26)


-Với tư cách là thừa tác viên Lời Chúa, đời sống Linh mục cũng phải phản ánh chính Lời mình rao giảng. Tôi tớ Lời Chúa phải là những người yêu mến và tuân theo Lời Chúa. Lời giảng của Linh mục chỉ có tính thuyết phục và có hiệu quả khi chính Ngài tuân giữ và thực hiện. Đức Giêsu đã lên án gay gắt những kỳ mục và người biệt phái: “những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người khác, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay lay thử” (Mt 23,3-4). Trong ngày lãnh nhận chức Phó tế, Đức Giám mục nói khi Ngài trao cuốn Phúc âm cho chúng ta: “Con hãy nhận lấy Phúc âm Chúa Kitô mà con vừa lãnh quyền rao giảng, vậy con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy” (Nghi thức phong chức Phó tế). Đức Phaolô VI, trong Tông huấn “Loan báo Tin Mừng” đã viết: “Ngày nay, người ta thường hay lặp đi lặp lại rằng: thế kỷ này khao khát sự trung thực. Nhất là khi nói tới giới trẻ, người ta quả quyết rằng họ ghê tởm những gì là giả tạo, giả mạo và tìm kiếm chân lý và sự trong sáng trên tất cả.


Chúng ta phải tỉnh táo trước những “dấu chỉ thời đại” ấy. Am thầm hay lớn tiếng, thiên hạ luôn luôn vặn hỏi chúng ta: các người có thực sự tin điều các người loan báo không? Các người có sống điều các người tin tưởng không? Hơn bao giờ hết. Làm chứng bằng đời sống đã trở thành một điều kiện thiết yếu để việc rao giảng có hiệu quả thâm sâu. Bằng ngả này, chúng ta lại chịu trách nhiệm, đến một mức độ nào đó, về bước tiến của Tin Mừng mà chúng ta công bố”. (số 76). Là người gieo giống, chúng ta cũng phải là một mảnh đất màu mỡ để đón nhận Lời nơi chính tâm hồn mình.


Đức Thánh Cha Bê-nê-đi-tô đã viết trong cuốn ‘Đức Giêsu thành Na-na-rét’: “Các Thánh là những người giải thích đích thực Thánh Kinh – Les saints sont les interprètes authentiques de l’Ecriture Sainte” (Bản Việt ngữ, Tr. 95).


Sứ điệp của Đại Hội Truyền giáo tại Á châu lần thứ I tại Thái lan (10-2006) đề nghị một phương pháp truyền giáo có hiệu quả thiết thực hơn: “Chúng tôi tìm cách rao giảng Tin Mừng theo phương thức của Á Châu, một phương thức khơi dậy tâm trí bằng những cầu chuyện kể, các dụ ngôn các biểu tượng, một phương thức tiêu biểu của lối sư phạm Á Châu, như ĐTC Gioan Phaolô II đã nhắn nhủ. Đó chính là phương thức chia sẻ đức tin của chúng tôi cho những người khác, một đường lối đối thoại đích thực”.


Thực ra, đó chính là phương pháp mà Đức Giêsu đã áp dụng cách đây 20 thế kỷ. Phương pháp này đã làm cho vị Ngôn sứ thành Na-gia-rét trở nên gần gũi với mọi người để cảm thông với họ trong hành trình cuộc đời.

( còn tiếp)


+GM. Giuse Vũ Văn Thiên

Mục lục

 

 

CÙNG ĐỌC & SUY NGẪM

 

“Văn hóa bạo lực”và bài học nói dối

 

Câu chuyện mới xảy ra cách đây vài hôm trong gia đình một người bạn của tôi. Buổi trưa bé Phong (học lớp 1 ở quận Gò Vấp, TP.HCM) về nhà mặt buồn hiu, không ăn cơm được. Bà ngoại cháu quan sát thấy ở đuôi mắt có vết thương nhỏ còn dính máu. Khi bà hỏi thì cháu nói do chạy quá nhanh nên đụng vô góc tường.

 

Chưa tin, tối đó bà gặng hỏi nữa, Phong mới khóc oà và nói thật : cháu bị cô giáo khẽ tay vì nói chuyện trong lớp. Cháu rút tay và tránh né, cây thước lỡ trúng vào khoé mắt của cháu. Cô giáo bèn dạy cháu về nói với bà như đã kể trên. Cháu rất thương cô giáo nên cũng muốn giấu cho cô.

Khi ông bà Phong tới nhà thì cô giáo có xin lỗi. Tuy đây là chuyện nhỏ nhưng hậu quả lại rất lớn. Nó nói lên sự yếu kém của nhà giáo. Nhiều cô thầy nói : “Không đánh không dạy được”Nhưng tại sao các nước tiến bộ không còn đánh học trò nữa ?

 

Đánh trẻ là thói quen “văn hoá” kéo dài nhiều thế kỷ, nó trở thành phản xạ tự nhiên. Nó là cách giải quyết cấp thời, làm cho trẻ sợ chứ không làm cho trẻ hiểu và trở nên tốt hơn. Nó là biện pháp dễ dàng nên ta hay dùng. Dư luận chưa lên án đủ nên ta làm chuyện đó mà không đắn đo.

 

Cô giáo của Phong mới vừa 20 tuổi thật ra là nạn nhân. Nạn nhân của một nền “văn hoá bạo lực” và sự yếu kém của ngành sư phạm. Chắc chắn giáo sinh luôn được nhắc nhở là không nên đánh học trò, nhưng có thể các em chưa được trang bị đủ kiến thức tâm lý và kỹ năng sư phạm  để không cần phải đánh học sinh. Các em cũng chưa luyện đủ sự kiềm chế bản thân.

 

Đánh trẻ là tiếp tục truyền đạt một nền văn hoá bạo lực. Rồi tới phiên trẻ sẽ đánh người khác nhất là người yếu hơn, ở vị trí thấp hơn nó…Trong câu chuyện trên, ngoài bài học bạo lực trẻ còn học thêm tội nói dối.

 

Nguyễn Thị Oanh

Thạc sĩ xã hội học

 

Mục lục

 

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

 

THỜI GẠO CHÂU CỦI QUẾ

 

Vô can nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp

 

Những vấn đề của xã hội như giá nhà đất sốt, giá vàng tăng, thiên tai, lũ lụt. lệnh cấm xe ba gác, bán hàng rong phải có phép… đang là vấn đề thời sự của cuộc sống. Tưởng rằng  đó là vấn đề đâu đó vô can, nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều gia đình Việt. Từ bình gas, kí gạo, miếng thịt… tăng giá, có nhiều lọai cũng tăng gấp đôi, gấp ba theo, khiến nhiều gia đình đang đối mặt với những khó khăn. khía cạnh kinh tế, đó là những biến động giá cả, nhưng thu hẹp lại thì đó là chuyện mà mỗi gia đình phải tự giải quyết chứ không trông chờ ai khác làm dùm.

 

Chuyện lớn một mình thấy ớn.

 

Nhưng đó có phải là vấn đề thời sự của gia đình bạn để cần thiết kéo sự quan tâm của mọi người chưa ? Chị Nguyễn Như l (Q . Bình Thạnh, TPHCM ấm ức tâm sự : “Chồng tôi đọc báo và coi thời sự trên ti vị hàng ngày mà làm như ảnh quá vô tâm. Trong khi ngoài chợ mọi thứ tăng giá hết nhưng thu nhập của gia đình vẫn có vậy, nên những bữa cơm gia đình không được ngon như trước, anh lại tỏ ra không bằng lòng. Chả lẽ tôi phải phân tích này nọ. Thấy chồng con ăn không ngon miệng tôi cũng đau lòng lắm nhưng biết thế nào. Đáng lý chuyện đó anh phải hiểu chứ”

 

Đúng là chuyện dễ hiểu như thế trong gia đình đáng lý chị L, cần được người chồng và các con hiểu chị L, phải gánh chịu một mình, không tìm được người chia sẻ. Nhưng hoàn cảnh như chị L không phải là số nhiều. Tất cả những vấn đề của cuộc sống xã hội liên quan đến đời sống gia đình đã đến lúc không còn là của riêng ai. Trước tiên, nhìn vào cuộc sống gia đình người ta thấy rằng vì thói quen quán xuyến của người phụ nữ trong gia đình khiến họ là người phải gánh chịu áp lực. Nhưng hôm nay dường như tất cả mọi chuyện, dù là những việc lớn, trước đây tưởng chỉ để đàn ông quyết định, như mua hoặc xây dựng, sửa chữa nhà cửa…; hoặc những việc nhỏ trước đây tưởng chỉ dành cho phụ nữ như họach định chi tiêu sinh họat trong gia đình…là của cả hai vợ chồng. Những quan niệm giới tính, thể hiện trên trách nhiệm và sự quan tâm, áp đặt trên công việc đang tháo bỏ dần. Tất nhiên yếu tố giới tính trên công việc là đương nhiên có, đặc điểm tự nhiên, nhưng do sự phân công xã hội có phần quá đáng nên ở thời điểm nào đó yếu tố giới tính đã gắn trên trách nhiệm công việc ở mức độ vô lý. May mà hôm nay người ta dễ dàng nhận ra co sự điều chỉnh. Đã có nhiều người chồng biết chia sẻ với người vợ mọi ảnh hưởng của những biến đổi cuộc sống tác động trên đời sống gia đình. Chị Dương Thị Q.(Quận Tân Bình, TPHCM) chia sẻ : “Tôi cũng phải cùng chồng kiếm tiền nuôi sống gia đình chứ mình ảnh lo sao nổi. Nhưng được cái, ngay cả khi con trai tôi sốt, tôi cũng được cùng chồng chia sẻ nỗi lo lắng. Mọi vấn đề của cuộc sống tôi và anh ấy cùng bàn bạc để giải quyết”.

 

Trẻ em cũng cần biết chuyện xã hội?

 

Có những vấn đề của cuộc sống ảnh hưởng đến gia đình nhưng nhiều bậc cha mẹ không nói cho con cái biết, vì thói quen suy nghĩ không bắt trẻ bận tâm gì khác ngoài chuyện học. Người viết bài này đồng ý rằng áp lực của công việc học hành đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên những đứa con. Nhưng không vì thế mà để những đứa trẻ không biết gì về những vấn đề ảnh hưởng đến đời sống gia đình. Tất nhiên khi các vấn đề  của đời sống gia đình bị ảnh hưởng đứa trẻ cũng ít nhiều “liên lụy”, nhưng thường ít bậc cha mẹ chịu giải thích, hoặc thiếu một cách giải quyết phù hợp cho trẻ hiểu.

 

Em Hùynh Nh.(học sinh cấp ba của một trường THPT trong quận Tân Bình, TP.HCM) giận dỗi kể : “Trước đây con đang học Anh Văn ở Hội Việt Mỹ, nhung bây giờ phải chuyển qua học chỗ khác. Ba mẹ chỉ giải thích là không có tiền. Tự nhiên xuống học ở một trung tâm không tốt bằng Hội Việt Mỹ em không biết giải thích với bạn bè làm sao. Hình như ba mẹ tiếc tiền với em…”Trong khi đó ba của Huỳnh Nh. phân bua : “Thu nhập của chúng tôi không tăng lên đồng nào trong khi mọi thứ tăng giá quá mức nên chúng tôi không thể cho cháu theo học ở Hội Việt Mỹ. Chúng tôi không có khả năng chứ tiếc gì với con cái”. Sau khi được giải thích em Huỳnh Nh. không còn trách ba mẹ mình nữa.

 

Như vậy, mọi khó khăn của cuộc sống gia đình nên được mọi người lắng nghe và thấu hiểu. Nếu không thể nói một cách trực tiếp như hai vợ chồng nói thì có thể chọn những cách giãi bày phù hợp với con cái. Tuỳ lứa tuổi của con cái, cha mẹ cho biết mức độ của vấn đề xã hội ảnh hưởng đến gia đình. Điều đó giúp trẻ có cách cảm nhận và thấu hiểu cuộc sống hơn. Kinh nghiệm sống này cũng thật quý đối với trẻ.

 

Tất cả mọi người trong gia đình đang đi trên con tàu cuộc sống nên mọi người cần biết ở những mức độ khác nhau về những vấn đề mà con tàu đó đang gặp, bạn ạ!

 

Duy Mạnh

Mục lục

 

 

ĐỌC SÁCH

DANG DỞ

“Tình chỉ đẹp khi còn dang dở.

Đời mất vui khi vẹn câu thề”

Đời có thật mất vui khi vẹn câu thề?  Tình chỉ đẹp khi còn dang dở hay là cho dù dở dang tình vẫn đẹp?  Người ta nói chấm dứt mối tình dở dang, nghĩa là lúc tình đó đang dang dở thì bị chấm dứt.  Có phải đã chấm dứt rồi thì không còn dang dở nữa?

Dường như là thế.  Chấm dứt là xong, là trọn vẹn không còn gì để nói.  Khi đã chấm dứt thì tình đó thuộc về dĩ vãng nguyên tuyền.  Nó dang dở trong quá khứ mà trọn vẹn xong ở hiện tại.  Như vậy, tình thuộc dĩ vãng không còn tiếp tục hôm nay thì còn gì là dang dở?

Xem ra là thế, tuy nhiên, thuộc về dĩ vãng chưa hẳn là thuộc về vùng đã quên.  Nếu còn nhớ thì ngay khi chấm dứt tình dang dở, tình vẫn chưa hết dở dang.  Chấm dứt mà còn nhớ thì chuyện tình chỉ chấm dứt trong không gian ngoại cảnh chứ chưa hết trong không gian tâm hồn.  Vì lẽ ấy, cũng khá khó cho một định nghĩa tình dang dở là gì, và còn khó hơn, tình dang dở có còn đẹp?

Có thể tìm một định nghĩa dễ hơn.  Tình dang dở là tình còn nhớ.  Ở đây, dang dở không có nghĩa là chấm dứt lúc còn dở dang.  Dang dở là chưa xong.  Tình của Đức Kitô không phải là tình đã xong trong quá khứ.  Tình ấy không chấm dứt ở thập giá chiều nào trên đồi Do Thái.  Tình ấy vẫn hàng ngày gọi, hàng chiều chờ.  Tôi gọi tình ấy là tình dang dở.  Đức Kitô tiếp tục yêu và tôi chưa nhận đủ. Ngài cho tình yêu, nhưng bàn tay có nhiều khe rãnh, nên hứng lãnh mà tình ấy cứ rơi đi hoài.  Vì cái dang dở ấy nên Ngài cứ băn khoăn làm sao cho tôi múc được nhiều để hồn tôi bớt trống và tim tôi thôi vơi. Và vì thế, dở dang của tình yêu ấy là dang dở đẹp.  Trong dang dở của tình yêu, cho tôi thấy trái tim Người bao dung và kiên nhẫn.  Nhờ dang dở ấy mà tôi thấy Ngài không mòn mỏi vì phải đợi chờ, không đếm thời gian và đưa tình yêu vào thời khóa biểu.  Giữa tôi với Ngài, còn thời gian thì còn dang dở, còn thương xót.

Đức Kitô yêu tôi bằng tình trọn vẹn.  Ngài là tình yêu (1 Yn. 4:16).  Ngài cho tôi chính Ngài với hơi thở sau cùng trên thập tự.  Nói về công việc thì xong, biến cố lịch sử trên Núi Sọ hoàn tất.  Nhưng tình yêu không là biến cố lịch sử.  Biến cố lịch sử chỉ là một trong những đường nét để vẽ chân dung tình yêu.  Tình yêu ấy vẫn yêu tôi.  Thập tự giá ngày xưa vẫn là thập tự giá hôm nay kéo dài trên bàn thờ khi tôi dâng lễ.  Đức Kitô đã phục sinh, nhưng trong đau đớn của chi thể Ngài là nhân loại thì Ngài vẫn còn bị đóng đinh.  Trong yếu đuối, tôi làm phai nhạt bao nhiêu chuyện tình đẹp giữa tôi và Ngài, tôi vẫn có lỗi phạm.  Trong lãng quên, tôi vẫn xuôi chiều bao nhiêu cám dỗ.  Vì thế, tình tôi với Ngài làm sao mà không dang dở cho được.  Chỉ có tình trọn vẹn ở phía thập giá.  Thập giá yêu thương nhân loại nhưng nhân loại không có tình trọn vẹn, nên khi tình trời nối với tình đất thì tình trời mang thương khó.  Ngày nào còn nhân loại thì tình giữa nhân loại và thập giá còn là tình dở dang.

Không có tình yêu thì trọn vẹn cũng là trọn vẹn thiếu.  Với tình yêu thì dang dở cũng là dang dở quý mến.

Có những dang dở cần thiết.  Dang dở cho chuyện tình còn dài, còn nhắc nhở, còn xám hối.  Có một thứ dang dở mà Đức Kitô nhất định giữ:

— Khi Ngài chữa mắt cho người mù, Ngài chỉ chữa một cách dang dở.  Ngài lấy bùn thoa vào mắt người mù nhưng anh ta chẳng khỏi.  Anh ta phải đi rửa ở hồ Sứ Giả.  Mù làm sao mà đi dễ dàng, thế mà Chúa không chữa cho xong (Yn. 9:1-41).

— Tiệc cưới Cana cũng vậy.  Chúa không làm phép cho có rượu, nhưng chỉ làm cho nước hóa rượu.  Đức Kitô bảo các gia nhân: “Hãy múc nước đổ đầy các chum” (Yn. 2:7).  Sao Chúa không làm cho có rượu luôn đi mà lại bảo người ta đổ nước?  Chúa chỉ làm một nửa.  Thương xót thì trọn vẹn, nhưng thương xót ai, bởi đó, thương xót còn hệ tại đối tượng được thương xót muốn thương xót bao nhiêu.  Do đấy, có những thương xót cần dang dở để đối tượng được thương xót kia lựa chọn mức độ thương xót cho mình.  Nếu các gia nhân chỉ múc nửa bình thì chắc rượu chỉ có nửa bình thôi.

— Làm phép cho CÓ BÁNH ĂN và làm phép cho bánh HÓA RA NHIỀU là hai thái độ rất khác nhau.  Chiều hôm ấy, đám dân chúng đói không có gì ăn.  Các môn đệ không đủ bánh, nghĩa là có nhưng thiếu, hoặc nói cách khác là có mà dở dang.  Chúa không vứt vất cái dang dở ấy rồi tự mình làm phép lạ.  Chúa bảo đem cái dang dở ấy đến.  Sao Chúa không làm phép lạ cho có bánh, mà chỉ làm phép lạ cho bánh hóa ra nhiều.  Sao Chúa cứ thích cái dang dở của các tông đồ làm chi (Mc. 6:35-43).

— Thấy đền thờ thành nơi buôn bán, dơ uế mất rồi, Chúa bảo phá đi rồi trong ba ngày Ngài xây dựng lại.  Tại sao Ngài không phá luôn cho tiện mà chỉ xây lại khi người khác phá (Yn. 2:13-22).

Chúa thích những phép lạ dang dở.  Chúa làm có một nửa nên nhân loại mới được góp phần trong công việc trọng đại ấy.  Cái dang dở Chúa để xẩy ra là dang dở huyền diệu.  Thiếu dang dở này con người thiệt thòi biết bao.  Cần có những dang dở của Chúa để dang dở của con người hết dở dang. Con người không thể làm phép lạ tự cứu lấy mình.  Chúa cũng không cứu con người khi con người không tự do nhận lãnh.  Phép lạ của Chúa cần là phép lạ một nửa, phép lạ dang dở để tôi được tham dự.  Cái dang dở của Chúa là chỗ trống cho tôi bước vào.

Chúa không thể nào bất toàn.  Bởi đó, những gì dang dở mà Chúa để xẩy đến trong cuộc sống, tôi phải tìm hiểu.  Có khi là đau khổ, có khi là những ngày chán nản.  Những mũi chỉ thêu ngang dọc làm cho tấm tranh rối mù lộn xộn, nhưng nó sẽ là tác phẩm nghệ thuật khi nó hết dở dang.  Con đường Hội Thánh đang đi là con đường dang dở.  Công cuộc rao giảng Tin Mừng là công cuộc dang dở.  Nhưng trong dang dở ấy là ngưỡng cửa hi vọng.  Đời truyền giáo của tôi là một hành trình đang dang dở.  Tay tôi ngắn mà cánh đồng thì mênh mông.  Nhưng nối tiếp những dang dở sẽ thành hoàn hảo.  Người mang hi vọng là kẻ chấp nhận những dang dở Chúa để xẩy đến, và nhìn thấy dang dở trong công cuộc rao giảng thập giá là dang dở lạc quan.

Dang dở của tình yêu giữa tôi và Chúa không là dang dở phải chấm dứt.  Chúa không bao giờ chê căn nhà tôi nghèo nàn.  Tôi cũng chẳng muốn bỏ Chúa.  Dang dở chỉ vì yếu lòng.  Dang dở vì vụng về trong những lựa chọn.  Dang dở vì lấp lửng với những cám dỗ.  Từ linh hồn thành thật rất sâu, tôi không muốn những dang dở này.  Có băn khoăn về những sa ngã, có hối hận về những không trọn vẹn sẽ làm cho chuyện đường thập giá gồ ghề hơn.  Những gồ ghề là những cản ngăn, nghĩa là đường thập giá sẽ thập giá hơn nữa.  Khi đường thập giá trở nên thập giá hơn thì linh hồn gian nan hơn, nhưng vì gian nan đó cũng sẽ làm cho đường thập giá ấy ý nghĩa hơn.

Những chuyện tình gian nan bao giờ cũng là những chuyện tình nhiều kỉ niệm.  Và, bởi đó, đường thập giá cho dù dang dở vẫn luôn luôn là những chuyện tình đẹp.  Không phải dang dở thì mới đẹp, nhưng là vẫn đẹp khi dở dang.

Lạy Chúa, ngày nào còn hơi thở thì tim con còn rung cảm rực nóng.  Còn rung cảm rực nóng thì còn những dang dở.  Nhưng đường Chúa gọi đi là đường tình thập giá không đánh dấu bằng những lần ngã dở dang.  Chúa nối những dang dở ấy thành đường thập giá.  Bởi đó, con hi vọng và lạc quan trong mọi dang dở của hành trình thiêng liêng.  Và con phải biết Chúa rất cần một thứ dang dở là Chúa không hoàn thành cho con tất cả ước mơ nếu con không thực sự mơ ước.

Ước mơ đẹp là mình ước mơ, còn ước mơ hững hờ là ước mơ người khác mơ ước dùm mình.

Xin cho con không bao giờ thở dài về sự dở dang trên đường thánh thiện.  Không chán chường sự dở dang trong công cuộc truyền giáo rồi thôi rao giảng Tin Mừng để cho khỏi băn khoăn về những dang dở ấy.

Vâng, lạy Chúa, con không muốn làm cho chuyện tình thành dang dở, nhưng chỉ vì con yếu đuối. Chúa thương con, thì với Chúa, những chuyện tình dở dang của con trên đường theo Chúa vẫn là những chuyện tình đẹp.

 \\NGUYỄN TẦM THƯỜNG 

Mục lục